Trả lời:
Chào anh,
Như mô tả tình huống của anh, tôi có thể tạm hiểu là anh vẫn muốn có hành vi giao hợp bất kể việc có thể không sử dụng bao cao su. Dù không quan hệ thâm nhập, nhưng trong quá trình cố gắng, rất có thể anh đã có tiếp xúc giao hợp. Cả hai hành động đều tiềm tàng nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường quan hệ tình dục nói chung.
Với hành vi này, nhiều người vẫn nghĩ đây chưa được gọi là giao hợp. Thực tế thì hoàn toàn ngược lại, ngay giây phút đầu tiên có sự tiếp xúc sinh dục, cho dù chỉ là mấp mé ở phía ngoài, đó vẫn được xem là đã có hành vi quan hệ xâm nhập. Lúc này, người đó đã có thể bị phơi nhiễm với HIV cũng như các bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục như lậu, giang mai, herpes, sùi mào gà, viêm gan B, C…
Trong thực hành lâm sàng, rất nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám vì sùi mào gà hay bị herpes sinh dục vẫn một mực khẳng định “chỉ mấp mé phía ngoài” như tình huống vừa nói. Do vậy, khi áp dụng biện pháp tình dục an toàn bằng bao cao su, người ta khuyến cáo rằng phải đeo bao cao su ngay từ lúc bắt đầu có tiếp xúc với âm đạo hay hậu môn của bạn tình.
Với hành vi cọ xát bên ngoài, việc bạn tiếp xúc với dịch tiết sinh dục của đối tác là không thể tránh khỏi. Mặc dù nguy cơ thấp hơn hành vi giao hợp, song trên thực tế vẫn ghi nhận nhiều trường hợp bị lây nhiễm HIV và thường gặp hơn là các bệnh lây truyền qua đường tình dục (nhất là các bệnh có tiết dịch như lậu, chlamydia hay có sang thương đang tiến triển như herpes, giang mai).
Tóm lại các tác nhân gây bệnh đều hiện diện trong dịch tiết sinh dục, một số bệnh như herpes, sùi mào gà thường có sang thương ở mép âm hộ… Đây đều là những nguy cơ mà nhiều người còn khá chủ quan.
Với phần trình bày bên trên của tôi, có lẽ anh đã nhận thức được nguy cơ lây nhiễm của bản thân. Việc cần làm là tham gia xét nghiệm kiểm tra, đồng thời có ý thức hơn với hành vi của bản thân, đặc biệt là thói quen sử dụng bao cao su.
Thân ái.
Bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ