Bản đánh giá mới nhất từ Bộ Quốc phòng Mỹ về khả năng chiến đấu của Trung Quốc khắc họa hình ảnh một lực lượng quân đội đang nỗ lực hiện đại hóa trên diện rộng với tốc độ khiến nhiều quốc gia phải ganh tỵ. Trung Quốc từng bước tăng cường năng lực quân sự nhằm làm đòn bẩy giành lợi thế trong các tranh chấp trên Biển Đông và Hoa Đông. Đặc biệt, Bắc Kinh cũng mở rộng phạm vi triển khai quân, góp phần củng cố vị thế toàn cầu.
Nhưng theo báo cáo, hiệu quả thực chất của quá trình này chưa chắc đã cao khi quân đội Trung Quốc vẫn tồn tại yếu kém về nhân lực và cơ cấu ở một số lĩnh vực, và Bắc Kinh đang tìm cách để khắc phục chúng, theo Wall Street Journal.
Tăng cường sức mạnh quân sự
"Các đơn vị lục quân, không quân, hải quân và tên lửa của Trung Quốc ngày càng lạm dụng sức mạnh để khẳng định khả năng thống trị khu vực trong thời bình, đồng thời thách thức ưu thế quân sự của Mỹ", bản báo cáo được đưa ra hôm 8/5 cho biết.
Bắc Kinh từ lâu sử dụng chiến thuật "cắt lát salami" trên Biển Đông để hiện thực hóa tuyên bố chủ quyền phi lý trong tranh chấp với các quốc gia láng giềng. Quá trình bồi đắp các bãi đá với tốc độ nhanh chóng cũng tạo điều kiện giúp nước này xây dựng những cơ sở quân sự, từ đó nâng cao sức ảnh hưởng.
Khả năng phòng thủ trên biển của Trung Quốc gia tăng đáng kể khi quân đội vừa biên chế thêm nhiều tên lửa đạn đạo chống tàu có khả năng tấn công các mục tiêu ở khoảng cách lên tới 900 hải lý. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng nâng cấp hệ thống liên lạc cho các đơn vị tên lửa đạn đạo liên lục địa và đưa vào không gian nhiều vệ tinh quan sát hơn để cải thiện khả năng ngắm bắn.
Nhằm chống lại những động thái can thiệp từ không gian của các đối thủ tiềm năng, Bắc Kinh đang triển khai "thiết bị gây nhiễu có khả năng chống lại hàng loạt hệ thống liên lạc, radar khác nhau cũng như cơ chế định vị vệ tinh GPS".
Hải quân Trung Quốc đạt được nhiều bước tiến khi là đơn vị sở hữu lượng tàu lớn nhất ở châu Á. Tàu khu trục Type 052D lớp Luyang III của nước này, được đưa vào hoạt động từ năm ngoái, với hệ thống phóng thẳng đứng, có thể khai hỏa nhiều loại tên lửa khác nhau, bao gồm tên lửa hành trình chống tàu, tên lửa tấn công trên bộ, tên lửa đất đối không hay tên lửa chống ngầm. Tàu tuần dương tên lửa Type 055 dự kiến được khởi công chế tạo trong năm nay sẽ sở hữu hỏa lực tương tự.
Những bước phát triển này cho thấy hải quân Trung Quốc sẽ đóng vai trò như chiếc ô phòng thủ giúp Bắc Kinh bảo vệ tốt hơn những khu vực nằm ngoài phạm vi tác động của hệ thống phòng không trên đất liền.
Ngoài ra, Trung Quốc đang bổ sung một lượng lớn tàu hàng hải dân sự. Các thực thể này sẽ nắm giữ vị trí chủ chốt trong chiến lược đối phó với các tranh chấp trên biển của Bắc Kinh. Đến cuối năm 2015, Trung Quốc sẽ bổ sung khoảng 25% số lượng tàu. Nhiều mẫu cũ, lỗi thời được thay thế bằng những phiên bản cải tiến, hiện đại hơn, có thể mang theo cả trực thăng.
Trên không, mặc dù ít tiến triển hơn nhưng Trung Quốc vẫn đạt được những thành tựu nhất định. Lầu Năm Góc dự đoán chiến đấu cơ quan sát tầm thấp J-20 của Bắc Kinh sẽ bay thử lần đầu trong năm nay. Mẫu J-31 đã sẵn sàng để xuất khẩu. Trung Quốc là "quốc gia duy nhất trên thế giới ngoài Mỹ sở hữu cùng lúc hai chương trình máy bay chiến đấu tàng hình", báo cáo nhấn mạnh và kết luận rằng không quân Trung Quốc "đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các đối thủ phương Tây".
Khắc phục những yếu kém
Bắc Kinh hiện thiếu một số công nghệ, quy trình công nghiệp cũng như các bí quyết chế tạo quan trọng. Tuy nhiên, các khiếm khuyết này có thể được bù đắp bởi những hỗ trợ từ nước ngoài.
Bất đồng giữa Nga và phương Tây quanh khủng hoảng ở đông Ukraine tạo điều kiện để Trung Quốc tiếp cận với những công nghệ tiên tiến hơn. Nhiều hệ thống từ máy bay thương mại và các chương trình dân sự cũng có thể được họ áp dụng sang cả lĩnh vực quân sự. Bản báo cáo cũng chỉ ra rằng Trung Quốc từng rất nhiều lần tìm cách chuyển giao công nghệ từ nước ngoài bất hợp pháp.
Công tác huấn luyện các đơn vị quân đội và tính hiệu quả trong chiến đấu vẫn còn là một câu hỏi lớn. Hậu cần và năng lực tình báo là trở ngại chính đối với hoạt động bên ngoài lãnh thổ của Bắc Kinh, nhất là ở Ấn Độ Dương. Theo báo cáo, Trung Quốc ý thức được về những yếu kém của mình. Vì thế đẩy mạnh tập trận chung là cách để Bắc Kinh cải thiện huấn luyện, đi vào thực chất hơn.
Một số biện pháp cải tổ dường như đang được cân nhắc bao gồm giảm thiểu các lực lượng phi chiến đấu cùng một phần lục quân, tăng số lượng và giao thêm nhiệm vụ cho lính nghĩa vụ và hạ sĩ quan, đồng thời xây dựng "lực lượng chiến đấu kiểu mới" cho nhiều đơn vị khác nhau.
Để tăng cường hiện diện trên Ấn Độ Dương, báo cáo cho hay Bắc Kinh "có vẻ sẽ thiết lập nhiều trạm truy cập trong 10 năm tới" và ký các thỏa thuận với đối tác khu vực để hỗ trợ công tác tiếp nhiên liệu, duy tu bảo trì đội tàu ở mức độ thấp hay cung cấp nơi nghỉ ngơi cho thủy thủ đoàn. Nhưng khả năng kế hoạch này được ủng hộ không cao.
Theo Andrew Erickson, giáo sư từ Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ, chuyên gia tại Trung tâm Fairbank, Havard, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị các Vấn đề Ngoại giao của Trung ương đảng diễn ra năm ngoái. Toàn văn phát biểu vẫn chưa được công khai nhưng nhìn vào những văn bản chính thức được đưa ra, kết hợp với các hoạt động mà bộ máy chính quyền Trung Quốc thực hiện ngay sau đó, có thể thấy bài phát biểu đã đánh dấu bước ngoặt lớn về chính sách của Chủ tịch Tập. Từ đây, Bắc Kinh sẽ theo đuổi một đường lối ngoại giao quyết đoán hơn trước.
Vũ Hoàng (theo Wall Street Journal)