Chiến dịch chống tham nhũng quy mô do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng đến nay đã hạ bệ ít nhất 30 tướng lĩnh quân đội. Ngoài những điểm tích cực, động thái này mặt khác lại đang phơi bày vấn nạn mà những người trong cuộc và giới chuyên gia nhận định có thể làm suy thoái nghiêm trọng sức mạnh của lực lượng vũ trang: nạn mua quan bán chức.
1,6 triệu USD cho một hàm tướng
Theo một số quan chức quân đội về hưu và đang tại vị, số tiền phải trả cho những cấp bậc khác nhau không nhất quán. Để thăng lên hàm tướng, một người có thể mất khoảng 10 triệu nhân dân tệ (1,6 triệu USD). Thậm chí, nếu muốn nhập ngũ suôn sẻ để trở thành một quân nhân bình thường, người ta cũng phải chi ra khoảng 1.600 USD.
"Nó trở thành một vòng tròn luẩn quẩn" đối với những người từng trót dùng tiền mua chức tước với suy nghĩ sẽ nhanh chóng thu hồi vốn, một sĩ quan quân đội Trung Quốc về hưu nói. Hiện tượng này "phổ biến khắp toàn quân trong 10 năm qua", ông cho biết thêm.
Quan chức quân đội cấp cao nhất ở Trung Quốc bị điều tra tham nhũng tới thời điểm này là Thượng tướng Từ Tài Hậu, cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. Truyền thông nhà nước Trung Quốc hồi tháng 10 năm ngoái đưa tin ông Từ đã thú nhận bỏ túi những khoản tiền hối lộ "cực kỳ lớn" để giúp đỡ người khác thăng quan tiến chức.
Trong đường dây liên quan đến tướng Từ còn có ông Cốc Tuấn Sơn, nguyên phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu Cần. Cốc bị bắt vào năm 2012 với cáo buộc tham ô, lợi dụng công quỹ, lạm dụng quyền lực và mua bán chức vụ trong quân đội. Ông đã khai báo với nhân viên điều tra việc từng lót tay cho Từ 40 triệu nhân dân tệ (hơn 6 triệu USD).
Hai sĩ quan quân đội khác của Trung Quốc cũng vừa bị bắt giữ. Những người này bị tình nghi từng dùng tiền mua chuộc ông Từ để thăng quan tiến chức. Hai trường hợp trên nằm trong số 16 cán bộ cấp cao bị điều tra từ năm ngoái, gồm cả 4 trung tướng và 9 thiếu tướng.
Ông Từ hôm 15/4 qua đời vì ung thư bàng quang, hưởng thọ 71 tuổi. Quân đội Trung Quốc tuyên bố cái chết của tướng Từ không ảnh hưởng đến việc điều tra những cá nhân vi phạm có liên quan đến ông, và khẳng định tiếp tục siết chặt chiến dịch truy quét tham nhũng "đả hổ diệt ruồi".
Điểm yếu bị phơi bày
Những quan chức quân đội bị bắt giữ điều tra tới nay hầu hết là cán bộ hậu cần hoặc chính ủy phụ trách việc duy trì ảnh hưởng chính trị, ít liên quan tới các hoạt động điều phối quân sự. Nhưng một bình luận từ hãng thông tấn Xinhua lại cho rằng "tham nhũng trong lực lượng vũ trang có thể làm suy yếu năng lực của họ trên cả chiến trường".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mạnh tay trong chiến dịch chống tham nhũng quân đội một mặt nhằm thể hiện uy quyền của ông đối với lực lượng vũ trang, nhưng quan trọng hơn, qua đó, ông muốn từng bước cải thiện năng lực quân sự, nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ lợi ích toàn cầu của Trung Quốc, Wall Street Journal bình luận.
Tuy nhiên, số lượng cũng như thâm niên công tác của những cán bộ bị bắt giữ đang khiến giới chuyên gia phải đặt nghi vấn về khả năng chiến đấu thật sự của quân đội Trung Quốc, một lực lượng chưa từng trải qua cuộc chiến tranh thật sự nào trong suốt ba thập kỷ qua.
Các quan chức bị bắt giữ trải rộng trong các đơn vị, từ bộ binh, hải quân đến đội pháo binh số hai, kiểm soát thế trận ngăn chặn hạt nhân của Trung Quốc.
Theo ông Tai Ming Cheung, chuyên gia về quân sự Trung Quốc tại Đại học California, San Diego, phương pháp tuyển chọn nhân sự quân đội bị ảnh hưởng bởi nạn mua bán chức tước không thể chọn lọc ra những cán bộ xuất sắc và có năng lực nhất. Đồng thời, hệ thống phân quyền từ cấp chỉ huy cũng bắt đấu xói mòn. "Khi quá trình này xảy ra, kỷ luật quân đội dần suy yếu và nhanh chóng trở thành một vấn đề mang tính hệ thống mà kết quả là khiến toàn bộ máy thối rữa từ bên trong", ông nhấn mạnh.
Theo WSJ, quy mô của vấn đề làm nổi bật lên những rủi ro về chính trị mà Chủ tịch Tập phải đương đầu khi ông đang nhắm đến việc hạ bệ quá nhiều nhân vật cấp cao. Lực lượng vũ trang Trung Quốc về cơ bản được điều hành bởi Quân ủy Trung ương, gồm 11 thành viên do ông Tập làm chủ tịch và là người duy nhất không trực thuộc hàng ngũ quân đội
Ông Dương Xuân Trường, thiếu tướng quân đội về hưu, tuần trước trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Ifeng của Hong Kong cho hay nạn tham nhũng đã bám rễ quá sâu vào bộ máy quân đội từ thời người tiền nhiệm của ông Tập là Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Ông cũng tiết lộ tất cả các vị trí trong ngành quân đội và cảnh sát đều "có giá".
Tổ chức nghiên cứu RAND tháng trước công bố một bản báo cáo trong đó có đoạn "các cấp bậc thuộc hàng ngũ quân đội Trung Quốc đều có thể trao đổi được bằng tiền (và thường bắt buộc phải mua)".
Theo bản báo cáo trên, dù rất khó để tính toán chính xác tác động của nạn tham nhũng nhưng rõ ràng nó đang làm suy giảm tính chuyên nghiệp cũng như sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Chiến dịch trấn áp tham nhũng từ đó có nguy cơ khiến bộ máy quân đội lung lay bởi nó lung lạc tinh thần của những sĩ quan chỉ huy cấp cao, những người dù có năng lực nhưng nhờ mua quan bán tước mới có thể thăng tiến nhanh chóng.
Hồi đầu tháng, Trung Quốc tiếp tục công bố điều tra 14 tướng lĩnh trong đó có Quách Chính Cương, con trai Trung tướng Quách Bá Hùng, cựu phó chủ tịch Quân ủy Trung ương từ năm 2002 đến 2012. Ông Quách Bá Hùng không phải đối diện với bất kỳ cáo buộc nào nhưng một số người cho rằng ông phải chịu trách nhiệm cho những hành động của con trai mình.
"Chẳng có gì là không đúng đắn khi cha làm trong ngành quân đội và con muốn tiếp bước", một trang tin liên kết với Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc dẫn lời thiếu tướng Lưu Kiến, cháu ngoại nguyên soái Chu Đức, nói. "Nhưng đến một thời điểm nào đó, nếu bạn dùng quyền lực trong tay mình để làm lợi cho bản thân thì điều này là hoàn toàn sai trái. Hơn nữa, cha mẹ là những người thầy đầu tiên của con. Nếu con cái không được giáo dục tốt, cha mẹ khó tránh khỏi trách nhiệm", ông cho biết.
Giới phân tích cho rằng việc cả tướng Từ và con trai của tướng Quách bị điều tra là dấu hiệu cho thấy thói tham nhũng trong quân đội đã vượt quá tầm kiểm soát.
Nạn tham nhũng phát triển mạnh trong hàng ngũ quân đội Trung Quốc vào những năm 1980 khi lực lượng này mở rộng hoạt động sang cả lĩnh vực kinh doanh bởi những cơ hội do cải cách thị trường mới mang lại. Năm 1998, các lãnh đạo Trung Quốc ra lệnh cho quân đội rút hoàn toàn khỏi các hoạt động thương mại. Tuy nhiên, vào những năm 2000, nạn tham nhũng lại bùng lên, một phần do giá trị đất đai dành cho phát triển tăng vọt, trong đó có cả quỹ đất của quân đội. Quá trình mua sắm nhà cửa, vũ khí, xây dựng hạ tầng quân sự nhanh chóng bị nạn tham nhũng ăn sâu, bám rễ.
Roy Kamphausen, một cựu tùy viên quân đội Mỹ ở Bắc Kinh, nhận xét việc mua quan bán tước xuất hiện ngày càng phổ biến trong những năm gần đây khi nạn tham nhũng không ngừng gia tăng. Một nhân tố góp phần tạo nên thực tế này là hệ thống phản hồi 360 độ của quân đội. Theo phương pháp này, một sĩ quan được đánh giá dựa vào nhận xét từ tất cả các bên liên quan đến anh ta, từ thuộc cấp, đồng nghiệp đến thượng cấp. Khi một cán bộ quân đội được thăng chức, tất cả những người này đều có thể hưởng lợi.
Vũ Hoàng (theo Wall Street Journal)