Trước khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) là đội quân đông nhất thế giới, nhưng có cấu trúc cồng kềnh, bị đánh giá là kém hiệu quả và khí tài, trang bị lạc hậu. Nạn tham nhũng trong các sĩ quan cấp cao của quân đội càng khiến tình trạng này nghiêm trọng hơn.
Trở thành tổng tư lệnh PLA vào năm 2013, ông Tập đã tiến hành ngay lập tức một số cải cách sâu rộng đối với cấu trúc quân đội Trung Quốc, vốn thiên về coi trọng vai trò của lục quân. Ông cũng phát động chiến dịch "đả hổ, diệt ruồi", trừng phạt nhiều tướng quân đội có hành vi tham nhũng.
Ông tuyên bố cắt giảm 300.000 quân để "thể hiện thiện chí hòa bình", đưa quân số PLA còn khoảng hai triệu người, đồng thời thành lập các chiến lược khu để tinh giản bộ máy chỉ huy, tăng cường lực lượng tác chiến.
Những động thái này nằm trong kế hoạch cải tổ, hiện đại hóa quân đội nhằm "hiện thực hóa giấc mơ có quân đội mạnh của Trung Quốc", một trong những chìa khóa quan trọng giúp nước này hướng tới "giấc mơ Trung Hoa".
"Quân đội Trung Quốc đã bắt đầu quá trình cải cách từ những năm 1990, dưới thời ông Giang Trạch Dân, nhưng thực sự phải đến thời ông Tập, những nỗ lực đó mới được chuyển hóa thành kết quả", Alexander Neill, nhà tư vấn chiến lược tại Singapore, đánh giá.
Chương trình cải cách của ông Tập chú trọng hiện đại hóa lực lượng hải quân và không quân. Trung Quốc mua chiến hạm cũ Varyag của Ukraine để cải hoán thành Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của hải quân nước này. Hải quân Trung Quốc cũng phát triển thành công tiêm kích hạm J-15, dựa trên mẫu Su-33 của Nga, để vận hành trên tàu sân bay.
Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng liên tiếp 27 năm, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.
Sau một thập kỷ ông Tập nắm quyền, Trung Quốc đang biên chế hai tàu sân bay và đóng chiếc thứ ba, sở hữu hàng trăm tên lửa đạn đạo tầm xa và tầm trung, hàng nghìn máy bay chiến đấu và một lực lượng hải quân có số lượng lớn hơn cả Mỹ.
Sau khi PLA tiến hành loạt cuộc tập trận tại 6 khu vực xung quanh đảo Đài Loan hồi tháng 8 nhằm phản ứng với chuyến thăm hòn đảo của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, một quan chức quân đội hàng đầu Mỹ đã ngầm thừa nhận ứng phó với Bắc Kinh là điều không dễ dàng, ngay cả với Washington.
"Họ nắm trong tay lực lượng hải quân rất lớn và nếu muốn rải tàu chiến quanh đảo Đài Loan, họ hoàn toàn có khả năng làm được điều đó", chỉ huy Hạm đội 7 hải quân Mỹ Karl Thomas cho hay.
Kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Trung Quốc được cho là đang tăng lên nhanh chóng và theo Lầu Năm Góc, Bắc Kinh giờ đây đủ sức triển khai vũ khí hạt nhân từ đất liền, trên biển và trên không, tương tự bộ ba hạt nhân của Mỹ.
Theo tạp chí Bulletin of the Atomic Scientists, Trung Quốc có khoảng 350 đầu đạn hạt nhân, gấp đôi số lượng mà nước này nắm giữ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Tình báo Mỹ dự đoán con số này có thể tiếp tục tăng gấp đôi, lên 700 đầu đạn, vào năm 2027. Các kho chứa vũ khí hạt nhân mới nhiều khả năng đang được Trung Quốc xây dựng ở khu vực phía tây bắc đất nước.
Mỹ hoàn toàn không che giấu việc họ cảnh giác trước sức mạnh và tham vọng của Trung Quốc. Lầu Năm Góc năm ngoái công bố báo cáo cho rằng Trung Quốc là "đối thủ duy nhất có khả năng kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ" để tạo ra thách thức lâu dài đối với Mỹ.
Theo báo cáo, Trung Quốc đang tìm cách định hình lại trật tự quốc tế để phù hợp hơn với hệ thống chính trị và lợi ích quốc gia của họ.
Trong bối cảnh đó, các cường quốc ở châu Á cũng đang tăng cường chạy đua vũ trang để bắt kịp bước tiến của quân đội Trung Quốc. Trong khi Hàn Quốc xây dựng lực lượng hải quân viễn chinh, Australia đã quyết định hợp tác với Mỹ, Anh để sở hữu tàu ngầm hạt nhân theo thỏa thuận AUKUS.
Hoạt động mua sắm vũ khí cũng tăng mạnh trong khu vực. Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, trụ sở tại London, chi tiêu quốc phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã vượt một nghìn tỷ USD chỉ tính trong năm ngoái.
Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi chi tiêu quốc phòng trong thập kỷ qua. Hàn Quốc, Ấn Độ và Pakistan xếp sau không quá xa. Ngay cả Nhật Bản cũng đang đề xuất ngân sách quốc phòng cao kỷ lục và tiến dần tới chấm dứt chính sách "không tấn công trước" lâu nay của mình với lý do môi trường an ninh "ngày càng khắc nghiệt".
"Các nước lớn trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về cơ bản đều đang phản ứng với quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc một cách nhanh nhất có thể", tiến sĩ Malcolm Davis, chuyên gia tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, nhận xét.
Tham vọng phát triển năng lực hải quân viễn chinh có khả năng hoạt động xa vùng ven biển của Hàn Quốc được các chuyên gia đánh giá là một chiến lược ứng phó với Trung Quốc, bởi lực lượng này không liên quan nhiều đến mối đe dọa từ Triều Tiên.
Ngoài thỏa thuận AUKUS ký hồi năm ngoái, Australia cũng đang thảo luận về việc sở hữu vũ khí siêu thanh, tên lửa đạn đạo tầm xa hơn và thậm chí cả máy bay ném bom tàng hình B-21 tối tân, có khả năng tấn công mọi nơi trên thế giới mà hầu như không bị phát hiện.
Tiến sĩ Davis cho rằng tất cả các dự án này đều là bằng chứng chỉ ra rằng Trung Quốc ngày càng có sức mạnh để định hình khu vực theo ý muốn của mình.
"Những ngày hải quân Mỹ thống trị các vùng biển ở Tây Thái Bình Dương đang đi đến hồi kết và các đồng minh châu Á - Thái Bình Dương đang tăng cường khả năng phòng thủ của riêng mình", ông nói. "Australia sẽ không tham gia AUKUS nếu quân đội Trung Quốc không chuyển mình mạnh mẽ đến vậy dưới thời ông Tập Cận Bình".
Vũ Hoàng (Theo AFP)