Trong cuộc bầu cử mang tính dấu mốc diễn ra tại Myanmar hôm 8/11, đảng đối lập, Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo giành được ưu thế áp đảo. Đảng của bà dự kiến sẽ hình thành nên một nội các dân sự mới, nhưng quyền lực quốc gia không nằm trọn vẹn trong tay chính phủ, do những tàn tích của chế độ nhà nước quân sự do quân đội kiểm soát suốt 50 qua vẫn tồn tại, tờ New York Times đánh giá.
Căn cứ theo hiến pháp do quân đội khởi thảo, một số cơ quan siêu quyền lực trong thể chế Myanmar hiện nay vẫn do quân đội trực tiếp kiếm soát, như Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và Bộ các vấn đề biên giới. "Phe đối lập đã giành được thắng lợi áp đảo, nhưng bà Aung San Suu Kyi vẫn buộc phải cùng với quân đội đạt được một thỏa thuận chia sẻ quyền lực", nhà sử học Thant Myint-U, cựu cố vấn chính phủ Myanmar, bình luận.
"Đây không phải là cuộc bầu cử chọn ra chính phủ, mà là lựa chọn vị trí trong chính phủ chia sẻ quyền lực với quân đội", học giả này nói. Cũng theo hiến pháp, quân đội có quyền kiểm soát tổng thể chính phủ, bao gồm cả quản lý kinh tế nếu cần thiết.
Quân đội Myanmar là lực lượng được chính trị hóa cao độ, nhưng các lĩnh vực mà thế lực này vươn tới không chỉ có chính trị. Các ngành nghề kinh tế như khai thác đá quý, sản xuất bia rượu, thuốc lá, giao thông công cộng và tài chính ngân hàng đều có lợi ích của quân đội. Đế quốc kinh tế của quân đội Myanmar hiện không chịu sự kiểm soát của chính phủ.
Trong hàng thập kỷ nằm dưới sự kiểm soát của quân đội, các địa phương của Myanmar hình thành nên hệ thống quan liêu tập quyền, mà người đứng đầu thường là các cựu quân nhân. Cựu quan chức Liên hợp quốc tại Myanmar Richard Horsey cho biết, Tổng cục Hành chính là cơ quan chính phụ trách hành chính của các địa phương. Cũng giống như lực lượng cảnh sát, cơ quan này trực thuộc Bộ Nội vụ.
"Quân đội kiểm soát cơ quan quan trọng như vậy, chắc chắn sẽ yêu cầu Aung San Suu Kyi phải hợp tác cùng mình", ông Horsey nói. "Không thể quản lý đất nước nếu thiếu sự ủng hộ của Bộ Nội vụ, và nói cho cùng vẫn là sự ủng hộ của Tổng tư lệnh quân đội".
Tuy nhiên, bà Aung San Suu Kyi sẽ thỏa hiệp ở mức độ nào với giới quân đội đang là câu hỏi lớn quyết định hướng đi tiếp theo của chính trường Myanmar. Trong thời gian vận động tranh cử, bà thường xuyên nhắc đến tầm quan trọng của sự hòa giải. Trong một bức thư gửi cho Tổng thống U Thein Sein và tổng tư lệnh quân đội, bà yêu cầu được gặp mặt để thảo luận về cơ sở hòa giải đất nước. "Điều đó rất quan trọng đối với phẩm giá của đất nước và nhằm đem lại hòa bình trong tâm tưởng cho người dân", bà viết trong thư.
Mặt khác, Aung San Suu Kyi cũng thường xuyên phê phán điều khoản hiến pháp cho phép quân đội kiểm soát một phần tư quốc hội, cũng như quy định cản trở không cho bà trở thành tổng thống. Ngày 10/11, với tư cách là lãnh đạo chính đảng chiếm đa số trong quốc hội, bà tuyên bố có quyền lựa chọn nhân sự tổng thống và người này phải phục tùng bà.
"Tất cả các quyết định phải do tôi đưa ra, bởi tôi là lãnh đạo của đảng giành thắng lợi", bà Aung San Suu Kyi cho biết trong cuộc phỏng vấn với Đài News Asia. "Chúng tôi sẽ lựa chọn người phù hợp hiến pháp làm tổng thống".
Giới phân tích nhận định rằng, đây là một sự thách thức với vai trò chính trị của quân đội và có thể gây mâu thuẫn. Quan hệ giữa Aung San Suu Kyi và quân đội có tác động vô cùng quan trọng với sự vận hành của chính phủ. "Nếu như ngay từ đầu mà không thuận lợi, đối phó lẫn nhau, sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề", ông Horsey nhận định.
Nhà sử học Thant Myint-U cho biết, thắng lợi khiến người ta đặt kỳ vọng lớn vào bà Aung San Suu Kyi để giải quyết những vấn đề mà Myanamar đang đối diện. Nhưng, chuyên gia này cũng cảnh báo việc chính phủ mới không có khả năng kiểm soát trực tiếp các lực lượng then chốt như cảnh sát, sẽ tạo trở ngại lớn để Aung San Suu Kyi đáp ứng kỳ vọng trên.
Xem thêm: Cuộc chiến giữa 'Quý bà' Myanmar và các tướng lĩnh quân đội
Đức Long