Theo The Guardian, lần cuối cùng bà Aung San Suu Kyi giành chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử, các tướng lĩnh quân đội đứng đầu Myanmar đã bác bỏ kết quả, ra lệnh quản thúc bà và bỏ tù hàng nghìn người ủng hộ bà.
Đó là vào năm 1990. Tuy nhiên, 25 năm sau, Aung San Suu Kyi, hay còn được gọi là Mẹ Suu, và đảng của bà, Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) một lần nữa chiến thắng. Câu hỏi quan trọng là liệu quân đội có chấp nhận kết quả bầu cử và để bà lãnh đạo đất nước hay không.
Họ tuyên bố rằng họ sẽ làm vậy. Tổng thống Thein Sein, cựu tướng đã tiếp quản chính quyền quân sự nước này vào năm 2011, sau một quá trình bầu cử bị NLD tẩy chay, dường như đã chấp nhận kết quả. "Chúng ta phải chấp nhận mong muốn của cử tri. Dù ai là người dẫn đắt đất nước đi chăng nữa, thì điều quan trọng nhất là phải có ổn định và phát triển", ông nói.
"Chúng tôi đã thua", Htay Oo, lãnh đạo của đảng cầm quyền Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP), do quân đội hậu thuẫn, nói. "Chúng tôi phải tìm ra lý do tại sao chúng tôi thua. Tuy nhiên, chúng tôi chấp nhận kết quả".
Nhưng bà Aung San Suu Kyi vẫn có thể gặp khó khăn từ những thành viên cứng rắn cũ của chính quyền quân đội, những người điều hành đất nước trước năm 2011.
Bên cạnh ảnh hưởng của những lãnh đạo cũ, thực tế rằng quân đội vẫn nắm giữ nhiều quân át chủ bài chính trị sẽ đặt ra thử thách cho bà Aung San Suu Kyi. Ngay cả khi NLD thắng một tỷ lệ lớn trong số 664 ghế trong quốc hội, theo quy định của hiến pháp, USDP hay nói cách khác là quân đội sẽ tự động giữ 25% số ghế.
Hơn nữa, hiến pháp không cho phép bà Aung San Suu Kyi được giữ chức tổng thống, vì bà kết hôn với một người nước ngoài - nhà sử học Oxford quá cố Michael Aris, và có hai con trai mang quốc tịch Anh.
Aung San Suu Kyi nói rằng bà vẫn sẽ lãnh đạo đất nước bằng cách đặt vị trí của mình là "trên cả tổng thống". Nhưng theo The Guardian, điều đó có thể là một "mẹo" khó thực hiện, đặc biệt là khi quốc hội sẽ không bầu ra tổng thống mới cho đến tháng hai năm sau.
Điều quan trọng là, dù có thua trong cuộc bầu cử, quân đội vẫn sẽ giữ lại các vị trí bộ trưởng quan trọng, gồm quốc phòng, nội vụ và biên phòng, và công an. Theo hiến pháp, quân đội có thể có quyền kiểm soát tổng thể chính phủ, bao gồm cả quản lý kinh tế, nếu họ thấy cần thiết.
Một vấn đề nổi bật khác là, Hội đồng Quốc phòng và An ninh của quân đội là cơ chế mạnh mẽ hơn quốc hội. Vì vậy, chính phủ NLD sẽ khó có tiếng nói lớn. Điều này khiến một số nhà vận động cho rằng quyền lực thực sự có thể vẫn nằm trong tay quân đội, bất chấp thành công của NLD.
Việc xử lý tình trạng khó khăn này sẽ đòi hỏi phía Aung San Suu Kyi phải có kỹ năng chính trị cao và sự khôn ngoan, trong khi giải quyết nhiều vấn đề của Myanmar.
Bà có danh tiếng quốc tế khó ai có thể sánh được và dòng dõi đáng tự hào, khi là con gái của Aung San, lãnh đạo độc lập của Myanmar và là người sáng lập quân đội Miến Điện. Tuy nhiên, một loạt các vấn đề về tôn giáo, chính trị và mức nghèo đói cao tại Myanmar sẽ làm công việc của bà càng phức tạp.
Sau một phần tư thế kỷ, bà Aung San Suu Kyi đã có một sự trở lại vinh quang. Dù kết quả bầu cử cuối cùng có thế nào, bà cũng đã gây được sự chú ý lớn trong dư luận và giành lợi thế trước các vị tướng quân đội. Tuy nhiên, bà sẽ không thể lãnh đạo đất nước mà không có họ.
Phương Vũ