"Quân đội đột kích và phá hủy trụ sở của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) vào khoảng 21h30", đảng này đăng lên Facebook song không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào.
Cuộc đột kích diễn ra trong bối cảnh cuộc đảo chính hồi tuần trước do quân đội thực hiện bắt Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi cùng các lãnh đạo dân chủ khác đang gây giận dữ trong công chúng, khiến hàng chục nghìn người đổ xuống đường biểu tình.
Cảnh sát đã sử dụng tới vòi rồng để trấn áp biểu tình tại một số thành phố, bắn đạn cao su vào người biểu tình ở thủ đô Naypyidaw và bắn hơi cay ở Mandalay.
Mỹ hôm qua lặp lại lời kêu gọi duy trì tự do ngôn luận cho Myanmar, đồng thời yêu cầu các tướng lĩnh quân đội trao trả quyền lực.
"Chúng tôi kịch liệt lên án bạo lực chống lại người biểu tình", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói. "Chúng tôi lặp lại lời kêu gọi quân đội từ bỏ quyền lực, khôi phục chính quyền được bầu cử dân chủ, thả những người bị giam giữ, dỡ bỏ tất cả các hạn chế viễn thông cũng như kiềm chế bạo lực".
Mỹ trước đó yêu cầu được nói chuyện với Suu Kyi nhưng đã bị từ chối.
Liên Hợp Quốc (UN) tối cùng ngày cũng lên tiếng thể hiện "quan ngại sâu sắc" về tình trạng bạo lực. Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của UN Josep Borrell cho biết khối có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với quân đội Myanmar nhưng lưu ý rằng mọi hình phạt đều không được phép ảnh hưởng tới người dân.
"Chúng tôi đang xem xét mọi lựa chọn", ông nói trước các nhà lập pháp tại Nghị viên châu Âu.
Giới lãnh đạo quân đội Myanmar hôm 8/2 ban lệnh thiết quân luật tại hai thành phố lớn nhất là Yangon và Mandalay, cấm người dân biểu tình hoặc tụ tập quá đông người, đồng thời yêu cầu người dân không ra đường từ 20h hôm trước đến 4h sáng hôm sau. Biện pháp tương tự cũng được áp dụng tại vùng Ayeyarwaddy ở phía nam.
Nhiều nhà hoạt động tuyên bố họ sẽ tiếp tục đấu tranh. Một số người phản đối cuộc đảo chính gợi ý trên mạng xã hội rằng mọi người nên họp thành nhóm 4 người để tránh lệnh cấm tụ tập đông người.
Vũ Hoàng (Theo AFP)