"Họ bắn cảnh cáo lên trời hai phát, sau đó nã đạn cao su vào người biểu tình", một người dân thủ đô Naypyidaw cho biết, nói thêm anh nhìn thấy một số người bị thương.
Trước đó, cảnh sát đã liên tục sử dụng vòi rồng để giải tán người biểu tình, nhưng họ vẫn tuần hành và hô lớn, yêu cầu chấm dứt việc quân đội cầm quyền.
Hôm nay là người thứ tư liên tiếp diễn ra phong trào biểu tình phản đối đảo chính khắp Myanmar. Tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai đất nước, cảnh sát cũng bắn đạn hơi cay giải tán người biểu tình.
Hàng trăm nghìn người đã xuống đường, yêu cầu trả tự do cho Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và loạt quan chức chính phủ bị quân đội bắt sau cuộc đảo chính quân sự hôm 1/2.
Giới lãnh đạo quân đội Myanmar hôm qua ban lệnh thiết quân luật tại hai thành phố lớn nhất là Yangon và Mandalay, cấm người dân biểu tình hoặc tụ tập đông người, đồng thời yêu cầu người dân không ra đường từ 20h hôm trước đến 4h sáng hôm sau. Biện pháp tương tự cũng được áp dụng tại vùng Ayeyarwaddy ở phía nam.
Nhiều nhà hoạt động tuyên bố họ sẽ tiếp tục chiến đấu. Một số người phản đối cuộc đảo chính gợi ý trên mạng xã hội rằng mọi người nên tập hợp thành nhóm 4 người để tránh lệnh cấm tụ tập đông người.
New Zealand hôm nay trở thành chính phủ nước ngoài đầu tiên có hành động cụ thể nhằm phản đối đảo chính Myanmar, khi tuyên bố ngừng tiếp xúc quân sự và chính trị cấp cao với Myanmar.
Mỹ, Anh, Liên Hợp Quốc và Liên minh châu Âu đã lên án cuộc đảo chính, kêu gọi quân đội Myanmar sớm trao trả quyền lực cho chính phủ dân sự. Trung Quốc trong khi đó kêu gọi cộng đồng quốc tế không "làm trầm trọng thêm căng thẳng và phức tạp thêm tình hình Myanmar".
Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc thông báo sẽ tổ chức họp khẩn vào cuối tuần này để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Myanmar.
Hồng Hạnh (Theo AFP)