"Sau cuộc đảo chính quân sự, New Zealand đang đình chỉ mọi liên lạc chính trị và quân sự cấp cao với Myanmar. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình", Thủ tướng Jacinda Ardern nói với các phóng viên trong cuộc họp báo hôm nay.
Thủ tướng Ardern cũng thông báo chính phủ New Zealand sẽ áp lệnh cấm đi lại với các lãnh đạo quân sự Myanmar và đảm bảo chính phủ quân sự nước này sẽ không được tiếp nhận hay hưởng lợi từ các dự án thuộc chương trình viện trợ từ New Zealand.
Ngoại trưởng Nanaia Mahuta cùng ngày cũng ra tuyên bố rằng New Zealand không công nhận tính hợp pháp của chính phủ do quân đội lãnh đạo ở Myanmar. Mahuta kêu gọi quân đội nước này ngay lập tức trả tự do cho các lãnh đạo chính phủ và khôi phục quyền lực dân sự.
Chính phủ New Zealand cũng tuyên bố đã cùng các quốc gia khác kêu gọi tổ chức một phiên họp đặc biệt tại cơ quan Nhân quyền Liên Hợp Quốc về tình hình Myanmar, để nêu lên những lo ngại về cuộc đảo chính quân sự và tác động với vấn đề nhân quyền.
Động thái của New Zealand được đưa ra sau khi Myanmar trải qua một tuần hỗn loạn vì cuộc đảo chính quân sự, khiến Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và một số lãnh đạo cấp cao trong chính phủ bị bắt.
Quyết định đình chỉ quan hệ của New Zealand được cho là hành động phản đối quyết liệt nhất từ cộng đồng quốc tế với tình hình Myanmar. Mỹ, Anh, Liên Hợp Quốc và EU trước đó cũng lên án cuộc đảo chính, kêu gọi quân đội Myanmar sớm trao trả quyền lực cho chính phủ dân sự.
Trung Quốc trong khi đó kêu gọi cộng đồng quốc tế không "làm trầm trọng thêm căng thẳng và phức tạp thêm tình hình Myanmar". Các quốc gia như Thái Lan, Campuchia và Philippines lại khẳng định việc Suu Kyi bị bắt là "vấn đề nội bộ của Myanmar".
Các cuộc biểu tình quy mô lớn ở Myanmar đã bước sang ngày thứ tư liên tiếp và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, bất chấp quân đội nước này đã cảnh báo có thể dùng luật pháp để xử lý. Hiện chưa có thông tin về các vụ đụng độ liên quan biểu tình, song cảnh sát Myanmar hôm nay đã sử dụng vòi rồng lần thứ hai lần để ngăn đám đông.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)