![]() |
Bà Hillary Clinton khi nhận lời làm Bộ trưởng Ngoại giao trong chính phủ của Barack Obama. Ảnh: AP. |
Về Iraq
"Chấm dứt cuộc chiến tranh Iraq là bước đi đầu tiên nhằm lấy lại vai trò lãnh đạo thế giới của nước Mỹ", Clinton viết cách đây một năm trong bài báo đăng trên tạp chí Foreign Affairs. Các binh sĩ Mỹ cần được đưa về nước một cách an toàn, tái lập ổn định cho khu vực này, bà nói.
Tuy nhiên trong thời gian vận động tranh cử, Clinton tỏ ra ngần ngại hơn so với thượng nghị sĩ nay là tổng thống đắc cử Mỹ Obama khi phải cam kết một lịch trình cụ thể rút quân khỏi Iraq. Bà không xin lỗi về việc đã bỏ phiếu ở Thượng viện cho phép Mỹ tiến hành chiến tranh Iraq hồi năm 2002, nhưng cho biết bà những muốn có thể bỏ phiếu lại.
Afghanistan, Pakistan và Al-Qeada
Trong cuộc chạy đua giành vé ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, bà Clinton - thành viên Ủy ban Vũ trang của thượng viện Mỹ, nói rằng Mỹ cần tập trung hơn nữa vào việc tăng cường an ninh ở Afghanistan. Bà kêu gọi triển khai thêm quân ở quốc gia Trung Á này. Clinton cũng chủ trương đề cử một đặc phái viên làm ngoại giao con thoi giữa các nhà lãnh đạo Afghanistan và Pakistan, để giúp hai nước đối phó với các phần tử Taliban và Al-Qeada đang hoạt động trong khu vực.
Iran
Một trong những thách thức lớn nhất đặt ra với tân ngoại trưởng là đối phó như thế nào với Iran. Chính quyền của Tổng thống Bush, sau khi tố cáo Iran tìm cách chế tạo bom hạt nhân và trợ giúp các phần tử nổi dậy ở Iraq, hầu như đã tránh mọi liên hệ với Iran.
Trong vòng bầu cử sơ bộ, bà Clinton đã chỉ ra rằng việc ông Obama tuyên bố có thể gặp trực tiếp các nhà lãnh đạo Iran, Syria và Bắc Triều Tiên là bằng chứng cho thấy ông ngây thơ trong lĩnh vực đối ngoại. Bà cũng đe dọa sẽ "xóa sổ" Iran nếu nước này dùng vũ khí hạt nhân để tấn công Israel.
Nhưng Clinton cũng chủ trương phối hợp với Iran, Syria và nhiều nước khác trong khu vực nhằm bảo đảm tương lai cho Iraq. Một trong các cố vấn thân cận của bà là cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ Richard Holbrooke từng gợi ý rằng những liên hệ nếu có với Iran nên bắt đầu thông qua các kênh cá nhân và bí mật, để từ đó xem xét có nên tiếp tục liên lạc hay không.
Trung Đông
Clinton luôn nhấn mạnh sự cần thiết của một nền hòa bình giữa Israel và thế giới Ảrập, nhưng bà vẫn được coi là có xu hướng ngả về ủng hộ Israel. Theo bà, những điều quan trọng nhất bao gồm một nhà nước Palestine ở Gaza và Bờ Tây, tuyên bố cuộc xung đột chấm dứt, công nhận sự tồn tại của nhà nước Israel, đảm bảo an ninh cho người Do Thái, khối Ảrập công nhận về mặt ngoại giao đối với Israel và bình thường hóa quan hệ.
"Ngoại giao Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp giải quyết cuộc xung đột này", Clinton phát biểu cuối năm 2007. Bà cho rằng Mỹ nên giúp cho một nhà lãnh đạo Palestine có được sự ủng hộ của thế giới Ảrập trong việc bắt đầu đối thoại với Israel.
Nga và việc kiểm soát vũ khí
"Tôi đoán là bà ấy sẽ cứng rắn với Nga", Kim Holmes, phó chủ tịch bộ phận nghiên cứu chính sách an ninh và đối ngoại tại Heritage Foundation, nói. "Bà ấy vốn có tiếng là cứng rắn, bà ấy được biết đến và được tôn trọng vì điều đó".
Tuy nhiên, Clinton từng chỉ trích chính quyền Bush đã "bị ám ảnh" với "công nghệ phòng thủ tên lửa tốn kém và chưa chứng minh được hiệu quả". Hệ thống phòng thủ tên lửa là một trong những nguyên nhân chính gây nên căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và Mỹ. Bà chủ trương giảm hơn nữa kho vũ khí hạt nhân của cả Mỹ và Nga.
Trung Quốc và Triều Tiên
Clinton cho rằng Mỹ với Trung Quốc có mối quan hệ song phương quan trọng bậc nhất trên thế giới trong thế kỷ này. Nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc trong việc đạt được một thỏa thuận đa biên về giải giáp hạt nhân của Triều Tiên, bà nói: "Chúng ta cần dựa trên đó để xây dựng một cơ chế an ninh ở Đông bắc Á".
T. Huyền (theo Reuters)