Poster chân dung của Barack Obama trên đường phố Indonesia. Ảnh: AP. |
Ông Obama từng ở 4 năm tại ngoại ô Jakarta với mẹ và cha dượng. Tổng thống gốc Phi đầu tiên của Mỹ khi đó đã học hai năm ở một trường Hồi giáo và hai năm sau đó ở một trường của nhà thờ Công giáo.
"Chúng tôi hy vọng chiến thắng của Obama đánh dấu chương mới trong mối quan hệ giữa Mỹ và Indonesia", Yusron Ihza Mahendra, một thành viên quốc hội Indonesia, nói, "đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng và kinh tế".
Tuy nhiên, xét đến cuộc khủng hoảng kinh tế ở Mỹ mà Obama đang đối mặt, khó mà cho rằng Obama sẽ đặt việc phát triển quan hệ với Indonesia lên thành ưu tiên của ông.
Hầu hết các nhà phân tích đều dự đoán tân tổng thống Mỹ sẽ dành năm đầu tiên của nhiệm kỳ để tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế bên trong nước Mỹ, đáp ứng những kỳ vọng mà cử tri Mỹ đưa ra khi họ quyết định bỏ phiếu cho ông. Trong thời gian đó, có lẽ Obama sẽ để mối quan hệ với phần lớn châu Á ở nguyên trạng như hiện nay.
"Chắc chắn là Obama sẽ duy trì hiện trạng các chính sách kinh tế, chính trị và an ninh đối với ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á)", Ben Lim, nhà khoa học chính trị đồng thời là giáo sư ngành châu Á thuộc đại học Ateneo de Manila, nói. "ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ tư của Mỹ, và ông ấy chắc hẳn muốn duy trì vị thế ảnh hưởng về kinh tế của Mỹ trong khu vực".
Điều mà khu vực này có thể trông đợi ở Obama là sự thay đổi trong chính sách đối ngoại, khác với chính sách ngoại giao đơn cực mà chính quyền của Tổng thống Bush thực thi trong những năm qua.
"Tôi không cho là ông ấy sẽ hành động kiểu cao bồi, một mình một ngựa", Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan dự đóan về Obama.
"Tôi nghĩ chúng ta sẽ không nghe thấy Obama nói rằng nếu anh không ủng hộ tôi nghĩa là anh chống lại tôi", Surin nói thêm khi nhớ lại những phát biểu của ông Bush khi vị tổng thống này phát động cuộc chiến chống khủng bố.
Cách tiếp cận đa phương về an ninh chắc chắn sẽ được chào đón hơn ở Đông Nam Á, nơi sinh sống của 570 triệu người, mà trong đó phân nửa là người Hồi giáo.
"Chúng tôi hy vọng Obama sẽ thay đổi quan điểm của Mỹ bằng cách có thái độ thân thiện hơn với thế giới Hồi giáo,với người Hồi giáo", Din Syamsuddin, chủ tịch tổ chức Hồi giáo lớn nhất của Indonesia, bày tỏ. "Obama cần có cách tiếp cận ôn hòa với các quốc gia Hồi giáo nhằm cải thiện quan hệ".
Obama, với xuất thân hợp chủng, từng sống trong những môi trường tôn giáo khác nhau, là người có sẵn lợi thế trong vấn đề này.
"Sau ngày bầu cử 4/11, sức mạnh mềm của nước Mỹ đã tăng thêm nhiều", Panitan Wattanayagorn, nhà khoa học chính trị của đại học Chulalongkorn, Thái Lan, nhận xét.
"Các chiến binh trên thế giới không thể biến Obama thành kẻ thù chỉ trong một ngày", Panitan giải thích. "Ông ta đại diện cho nước Mỹ, nhưng bản thân ông ấy - với tư cách cá nhân - khác với ông Bush trong 8 năm qua".
Một trong những mảng chính sách đối ngoại của Mỹ ở Đông Nam Á hầu như sẽ ít thay đổi, đó là với Myanmar. Quốc gia này nhiều khả năng vẫn phải chịu cấm vận kinh tế của Washington sau khi ông Obama lên nắm quyền.
Tuy nhiên, hy vọng cải thiện quan hệ vẫn được mong chờ. "Có thể có sự thay đổi trong thái độ", Win Min, giáo sư đại học Chiang Mai của Thái Lan, dự đoán. "Chẳng hạn, ông Obama sẽ sẵn sàng hơn trong việc thảo luận với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ hay ASEAN, để tìm một tiếng nói chung trong vấn đề này".
T. Huyền (theo DPA)