Luật Hải cảnh Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/2, cho phép lực lượng này nổ súng nhằm vào các vùng biển mà Bắc Kinh cho là "thuộc quyền tài phán" của mình. Harry Roque, phát ngôn viên Tổng thống Philippines, cho biết nước này đang xem xét đưa Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế về Luật biển vì vấn đề trên.
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin sau đó bác đề xuất của Roque. "Tôi không nghe theo Roque. Tôi yêu mến Harry nhưng anh ta không có năng lực trong lĩnh vực này", Locsin đăng trên Twitter.
"Chúng ta không quay trở lại La Haye. Chúng ta có thể mất những gì mình đã thắng được", Locsin đề cập đến phán quyết của tòa án quốc tế năm 2016 bác yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc với phần lớn diện tích Biển Đông.
Roque ngày 2/2 "phản pháo" lại Ngoại trưởng Philippines, cho biết ông cũng "yêu mến" Locsin. Roque khẳng định với việc từng là chủ tịch của Hiệp hội Luật Quốc tế châu Á, ông hiểu mình đang bàn về điều gì.
Trong lúc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vẫn giữ im lặng về luật hải cảnh Trung Quốc, những phản ứng trái ngược của giới chức cho thấy Manila vẫn chưa rõ ràng về cách phản ứng với đạo luật của Bắc Kinh, dù áp lực trong nước tại quốc gia Đông Nam Á này ngày càng dâng cao.
Pamalakaya, liên đoàn các tổ chức ngư dân Philippines, và thậm chí cả Ngoại trưởng Locsin đều ví Luật Hải cảnh Trung Quốc là "lời đe dọa chiến tranh". Ngoại trưởng Locsin đã gửi công hàm phản đối cho phía Trung Quốc.
Mối quan tâm về Luật Hải cảnh của Trung Quốc tại Philippines tăng lên sau khi tàu nghiên cứu Trung Quốc Jia Geng hồi tuần trước đi vào vùng biển Philippines tuyên bố chủ quyền mà không xin phép.
Tổng thống Duterte hồi tháng 8/2019 yêu cầu tất cả tàu nước ngoài phải xin phép chính quyền nước này nếu định đi qua vùng biển của Philippines. "Chúng tôi phải nhận được sự tuân thủ theo cách thân thiện hoặc buộc các bên phải tuân thủ theo cách không thân thiện", phát ngôn viên của Tổng thống Philippines khi đó cho biết.
Một số nguồn tin cho rằng tàu khảo sát Jia Geng đi vào lãnh thổ Philippines gần Samar, hòn đảo lớn thứ ba của nước này, và thu thập dữ liệu ở vùng biển được nhận định là giàu tài nguyên. Tuy nhiên, Trung Quốc bác thông tin.
Trong thông cáo ngày 1/2, Đại sứ quán Trung Quốc ở Philippines chỉ trích "các lực lượng giấu tên đi xa tới mức đưa tin giật gân rằng tàu khảo sát khoa học Trung Quốc đi vào vùng biển Philippines là hành vi xâm nhập". Thông cáo cho biết tàu Trung Quốc "tìm nơi trú ẩn do điều kiện thời tiết và biển không thuận lợi".
Locsin ngày 2/2 cho biết Bộ Ngoại giao Philippines "chấp thuận yêu cầu khẩn cấp của Đại sứ quán Trung Quốc" về việc cho tàu Jia Geng trú ẩn khi thời tiết xấu. Con tàu không được phép ở lại trong vùng biển của Philippines và "bị theo dõi". Cảnh sát biển Philippines cho biết tàu Jia Geng rời đi vào chiều 1/2.
Đại sứ quán Trung Quốc cũng tuyên bố truyền thông Philippines đưa "tin vịt" về một ngư dân tên là Larry Hugo bị hải cảnh Trung Quốc "quấy rối" gần đảo Thị Tứ. Đây là hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và đang bị Philippines chiếm đóng trái phép.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)