"Sau khi xem xét, tôi đã gửi công hàm phản đối", Ngoại trưởng Locsin hôm nay thông báo trên Twitter. "Dù ban hành luật là quyền của mỗi quốc gia, việc thông qua luật này... là lời đe dọa chiến tranh với bất kỳ quốc gia nào không tuân theo".
Đây là bước thay đổi quan điểm rõ ràng so với thông điệp ông đăng trên Twitter hai ngày trước. "Việc thông qua luật nào không phải việc của chúng tôi mà là việc của Trung Quốc, vì vậy hãy tự kiềm chế", Ngoại trưởng Philippines tweet hôm 25/1.
Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân Toàn quốc, cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc, ngày 22/1 thông qua luật hải cảnh, cho phép lực lượng này sử dụng "mọi phương tiện cần thiết", kể cả việc nổ súng, để ngăn chặn các mối đe dọa từ tàu nước ngoài.
Đạo luật còn cho phép hải cảnh Trung Quốc được phá công trình nước khác xây dựng trên các thực thể và kiểm tra các tàu nước ngoài trong vùng biển mà Trung Quốc nêu yêu sách chủ quyền. Hải cảnh Trung Quốc còn được trao quyền thiết lập các vùng cấm di chuyển "khi cần" để ngăn các tàu thuyền và người đi vào.
Nhật Bản, quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc liên quan nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, tuyên bố sẽ "giám sát chặt chẽ" các động thái của Bắc Kinh cũng như bày tỏ "phản đối mạnh mẽ" các hoạt động của hải cảnh Trung Quốc gần nhóm đảo tranh chấp.
Giới chuyên gia cho rằng ngoài việc tiềm ẩn "ngoại giao pháo hạm", đạo luật mới này còn cho thấy nguy cơ Trung Quốc lạm dụng lực lượng hải cảnh, vốn được quân sự hóa mạnh mẽ với nhiều loại vũ khí hạng nặng, để phục vụ các yêu sách chủ quyền phi lý.
Vũ Hoàng (Theo CNN)