"Từ vụ bắn hạ khí cầu của Trung Quốc hôm 4/2, chúng tôi đã rà soát kỹ hơn không phận ở những độ cao tương tự, trong đó có cả việc tăng cường hệ thống radar. Điều này có thể giải thích phần nào việc chúng tôi phát hiện nhiều vật thể bay lạ trong tuần qua", Melissa Dalton, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cho biết hôm 12/2.
Bà Dalton nói thêm khi giới chức Mỹ tìm hiểu về các vật thể bay lạ tại nước này, họ sẽ hiểu thêm các đặc điểm của chúng. "Điều này sẽ giúp chúng ta xem xét lại những trường hợp có thể bị bỏ qua trước đây", quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định.
Quân đội Mỹ trong ba ngày 10-12/2 liên tiếp bắn hạ ba vật thể bay không xác định, mới nhất là vụ bắn hạ ở hồ Huron, gần biên giới Canada. Theo bà Dalton, vật thể bị bắn hạ trên hồ Huron không gây ra đe dọa với người dân, song nó cũng giống các vật thể bị bắn trước đó, gây đe dọa tới ngành hàng không dân dụng.
Tuy nhiên, do thiếu thông tin về các vật thể bay lạ, giới chức Mỹ vẫn chưa thể xác định chúng là gì và có nguồn gốc từ đâu. Tướng Glen VanHerck, chỉ huy Bộ tư lệnh phương Bắc quân đội Mỹ, không loại trừ khả năng các vật thể bay bị bắn hạ gần đây là hiện tượng "ngoài hành tinh".
Khí cầu Trung Quốc đi vào không phận Mỹ ngày 28/1, di chuyển sang không phận Canada ngày 30/1 và trở lại vùng trời Mỹ một ngày sau đó. Giới chức Mỹ không công khai về sự hiện diện của khí cầu cho đến ngày 2/2 và quyết định bắn hạ nó hôm 4/2. Tướng VanHerck sau đó thừa nhận quân đội Mỹ nhiều lần không phát hiện khí cầu Trung Quốc do "lỗ hổng" trong hệ thống giám sát.
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Michael Waltz cũng nói rằng Lầu Năm Góc thừa nhận khí cầu Trung Quốc từng bay vào không phận Mỹ ít nhất ba lần dưới thời cựu tổng thống Donald Trump và một lần trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden.
Ngọc Ánh (Theo Hill)