"Đó sẽ là quốc gia đầu tiên ở châu Âu làm vậy trong hoạt động xuất khẩu điện, một bước đi rất nguy hiểm và mang tính dân tộc chủ nghĩa. Đó là hành vi rất ích kỷ", Jukka Ruusunen, giám đốc điều hành cơ quan vận hành lưới điện Phần Lan Fingrid, nói với Financial Times, đề cập đến nước láng giềng Na Uy.
"Nếu chúng ta không cùng hành động, Nga sẽ hưởng lợi. Rời khỏi đội chính là cách hỗ trợ Nga tốt nhất", ông Ruusunen bổ sung.
Bình luận được ông Ruusunen đưa ra sau khi Bộ trưởng Năng lượng Na Uy Terje Aasland hồi đầu tháng 8 thông báo Oslo đang xem xét giảm lượng điện bán cho châu Âu, nếu mực nước tại các hồ chứa thủy điện quốc gia này ở mức thấp.
"Hành động của Na Uy tiềm ẩn nguy cơ tạo hiệu ứng lan truyền. Mọi người có thể nói nếu Na Uy làm được, họ cũng làm được. Tôi nghĩ đó là cách tiếp cận sai lầm", Johannes Bruun, giám đốc thị trường điện tại Energinet, cơ quan quản lý lưới điện Đan Mạch, bổ sung.
Tuy nhiên, Bruun cho hay Copenhagen hiện không có ý định triển khai biện pháp đáp trả nếu Oslo ngừng xuất khẩu điện.
Những lời chỉ trích nhắm vào Na Uy cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đã khiến căng thẳng giữa các đồng minh lâu đời gia tăng. Giá điện tại khu vực tăng vọt sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2.
Na Uy bán khoảng 1/5 tổng sản lượng điện cho các quốc gia láng giềng, truyền tải qua cáp điện đến Anh, Đức, Hà Lan và Đan Mạch. Na Uy còn là nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất ở Tây Âu, dự kiến có doanh thu từ dầu, khí đốt và điện cao kỷ lục trong năm nay.
Quốc vụ khanh Bộ Năng lượng và Dầu mỏ Na Uy Andreas Bjelland Eriksen xác nhận Oslo đang xem xét một cơ chế hạn chế hoạt động thủy điện, kéo theo đó là giảm xuất khẩu điện, khi mực nước các hồ chứa giảm xuống rất thấp.
Mọi cơ chế được triển khai đều sẽ phù hợp các nghĩa vụ của Na Uy với châu Âu, ông nói.
Ruusunen cho rằng Na Uy đang kiếm "rất nhiều tiền" sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ. Ông cảnh báo Na Uy giảm xuất khẩu điện sẽ giúp "những tiếng nói dân túy, chủ nghĩa dân tộc chia rẽ thị trường và cuối cùng không ai chiến thắng".
Na Uy đã vượt qua Nga để trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho EU, sau khi Moskva cắt giảm 80% nguồn cung qua đường ống Nord Stream 1. Nước này đang muốn thể hiện là một nhà cung cấp năng lượng thay thế đáng tin cậy.
"Nếu họ giảm xuất khẩu điện, uy tín của Na Uy sẽ bị ảnh hưởng. Sự tin cậy chính là một trong những yếu tố căn bản", Ruusunen nhấn mạnh.
Như Tâm (Theo FT)