"Chính phủ ưu tiên lấp đầy các hồ chứa thủy điện khi mực nước xuống rất thấp", Bộ trưởng Năng lượng Na Uy Terje Aasland, nói ngày 8/8. "Việc này cần các cơ chế kiểm soát để hạn chế xuất khẩu điện khi các hồ chứa đang được lấp đầy".
Theo ông Aasland, Bộ Năng lượng Na Uy tuần này sẽ làm việc để thiết lập khuôn khổ cho một cơ chế như vậy sớm nhất có thể.
90% sản lượng điện của Na Uy đến từ thủy điện. Là một trong những nhà xuất khẩu điện lớn nhất châu Âu, nước này bán khoảng 1/5 tổng sản lượng điện cho các quốc gia láng giềng. Tuy nhiên, sau mùa xuân khô hạn, mực nước hồ chứa tại những khu vực chịu ảnh hưởng chỉ đạt 49,3%, thấp hơn mức trung bình 74,9% giai đoạn 2000 - 2019, buộc Oslo phải hành động để ngăn thiếu điện vào mùa đông.
Một số chính trị gia Na Uy còn đề xuất dừng xuất khẩu điện cho đến khi nguy cơ khủng hoảng năng lượng không còn.
Động thái trên của Na Uy dấy lên lo ngại về một mùa đông khó khăn cho châu Âu. Châu lục này đang đối mặt nguy cơ khủng hoảng năng lượng trong bối cảnh nguồn cung hạn chế do ảnh hưởng liên quan chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Theo Guardian, Anh, Đức và Hà Lan phụ thuộc nhiều vào năng lượng giá rẻ từ Na Uy nên trong trường hợp Oslo hạn chế xuất khẩu, ba quốc gia này sẽ chịu tác động đáng kể. Giới phân tích cho rằng Anh có thể phải tiếp tục vận hành các nhà máy nhiệt điện, dự kiến đóng cửa vào tháng 9, để ứng phó.
Các nhà xuất khẩu điện lớn khác ở châu Âu, trong đó có Pháp, cũng đang gặp khó khăn. Sản lượng điện từ các nhà máy điện hạt nhân Pháp đang ở mức thấp nhất hàng chục năm do các vấn đề như nhà máy cũ xuống cấp.
Như Tâm (Theo FT, Bloomberg)