Bánh hỏi là món ăn nổi tiếng và phổ biến ở Bình Định, tại Sài Gòn, thực khách có thể thưởng thức hương vị đúng chuẩn món này tại một quán ăn trong một con hẻm ở đường Bình Lợi, quận Bình Thạnh. Chủ quán là chị Nguyễn Thị Phong, 49 tuổi, quê Bình Định đến Sài Gòn lập nghiệp vào 6 năm trước. Từ một quán ăn chỉ vỏn vẹn 6 chiếc bàn nhỏ, nay quán đã mở rộng hơn với hai gian lớn.
Ngày trước ở quê, chị Phong bán bún, bánh canh, khi vào Sài Gòn sinh sống, chị thấy có ít hàng bánh hỏi và những món mang đậm chất Bình Định nên mở quán. Khi đó chị chỉ nghĩ đơn giản: "Mình bán những món ăn mình thích, phải làm thật ngon, đúng khẩu vị Bình Định".
Vì vậy, để món ăn đúng chuẩn nhất có thể, chị Phong lấy bánh hỏi, hẹ, lòng heo, thịt heo, nước mắm... từ Bình Định chuyển vào Sài Gòn. Còn rau thơm do khó bảo quản được tươi ngon khi đi đường xa nên chị lấy hàng tại Sài Gòn.
Mỗi ngày chị Phong dậy từ 2h để làm lòng heo và nấu cháo, ướp thịt nướng... đến khi hoàn thành công việc cũng là lúc quán mở đón khách chứ không nấu sẵn rồi giữ ấm. Theo chị, lòng heo ăn cùng bánh hỏi phải làm thật kỹ thì món ăn mới có hương vị thơm ngon, không ám mùi. "Lưỡi, tim heo tôi rửa sạch với nước muối, còn bao tử thì phải chà muối, chanh, khử dấm, không còn mùi hôi thì mình mới đem nấu".
Ăn kèm với bánh hỏi còn có thêm cháo lòng. Khác với với cháo ở miền Nam, người Bình Định nêm nếm ít đường và vị cháo thanh, không quá đậm đà. Khi kết hợp bánh hỏi với cháo, món bánh không bị quá khô, dễ ăn hơn và cũng no lâu. Nếu không thích ăn bánh hỏi cháo lòng, thực khách cũng có thể thử bánh hỏi với thịt nướng vàng mềm, dậy mùi thơm, ăn kèm nước mắm ớt pha ngọt và không thể thiếu bánh tráng nướng giòn, rau sống tươi.
Minh Tiến, người Bình Định đang sống tại quận 10, chạy xe gần 10 km để thưởng thức món ăn yêu thích vào sáng cuối tuần. Tiến kể, được ăn bánh hỏi cháo lòng khiến anh cảm thấy đỡ nhớ quê hương. "Bánh hỏi ở tiệm rất giống với quê mình, nước mắm cũng pha rất ngon, vừa miệng. Ở Sài Gòn ít chỗ bán được hương vị như quán này nên dù đường xa thì mình và chú cũng thường ghé ăn".
Còn anh Tuân, thực khách Sài Gòn sống ở phường 13, quận Bình Thạnh cũng hay ghé ăn bánh hỏi cháo lòng sau khi tập thể thao buổi sáng, nhận xét: "Món ăn ở đây khá lạ, cách chế biến sạch sẽ và giá tiền vừa phải nên tôi khá thích".
Trung bình mỗi sáng quán ăn của chị Phong bán khoảng 200 phần bánh hỏi cháo lòng và thịt nướng. Ngoài ra, khách cũng thích các món khác như bún thịt nướng, nem, gỏi cuốn, bánh bèo... Sau giãn cách xã hội tại TP HCM, chị Phong cảm thấy may mắn vì quán vẫn được khách đến ủng hộ dù việc buôn bán có không thuận lợi như trước. Chủ quán nói hiện không tăng giá món ăn vì lý do: "Dịch bệnh nhiều người mất việc, thu nhập giảm, chi tiêu gì cũng phải cân nhắc. Nếu quán mình tăng giá cao thì khách hàng họ ngại đến mua".
Huỳnh Nhi