Giáng sinh ở các nước phương Tây có ý nghĩa như ngày Tết Nguyên đán ở Việt Nam và người ta cũng tặng quà nhau vào dịp này. Mỗi năm, phiếu quà tặng Giáng sinh của Công đoàn có thể đến từ một đơn vị liên kết khác nhau, với danh sách chuỗi cửa hàng khác nhau. Nhìn chung, danh sách liên kết rất đa dạng về chủng loại hàng hóa và phân khúc. Nhờ vậy, phiếu quà tặng dù đến từ đơn vị nào thì người lao động cũng đều luôn sử dụng được. Giá trị các phiếu quà tặng này không phải là lớn so với thu nhập, nhưng đã trở thành một truyền thống được gia đình tôi, đặc biệt là bọn trẻ rất mong đợi, vì chúng biết, đây là cơ hội để chúng được bố mẹ mua sắm cho một thứ gì đó.
Tuần trước, tôi đọc được trên báo thông tin về việc nhiều công đoàn doanh nghiệp ở Việt Nam được phân bổ các suất hỗ trợ sắm Tết cho công nhân, từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Nhưng muốn xài được phần quà trị giá 300.000 đồng, người lao động phải mở một thẻ tín dụng hạn mức năm triệu đồng. Thẻ tín dụng này nếu không hủy ngay trong năm nay thì hàng năm sẽ phát sinh phí duy trì thẻ thường niên.
Tôi thấy lạ quá, bèn liên lạc về quê để hỏi Tân - người bạn học cũ nay là cán bộ Công đoàn cơ sở ở một khu công nghiệp. Tân xác nhận và cho biết: công nhân nhiều người không chịu nhận.
Nếu là tôi, tôi cũng không nhận. Đó không phải là một món quà Tết, đó là con dao hai lưỡi, là một thỏa thuận mà phần rủi ro có thể rơi vào tay người nhận nếu chẳng may họ tiêu lố quá 300 nghìn, trở thành con nợ tín dụng.
Tôi tự hỏi, đây là câu chuyện về lòng tốt có điều kiện; hay là ý nghĩa của quà tặng đã bị bóp méo, phục vụ mục đích khác?
Lợi nhuận hay thành quả doanh nghiệp có được đều đến từ đóng góp của người lao động. Vì vậy, doanh nghiệp sẽ chia sẻ lại thành quả ấy cho người lao động, thông qua tổ chức Công đoàn. Những gì mà Công đoàn có thể "kiếm" được cho người lao động thường theo thỏa ước tập thể. Nói cách khác, với những người lao động như tôi, phiếu quà tặng ấy đến từ kết quả đóng góp của chính mình vào lợi nhuận của tổ chức và từ sự đàm phán giữa Công đoàn với lãnh đạo tổ chức. Nó không phải là sự ban tặng ngẫu hứng và miễn phí. Với ý nghĩa đấy, quà tặng là tài sản của người lao động và Công đoàn có trách nhiệm đảm bảo sự thuận lợi cũng như giá trị tăng thêm cho người lao động khi sử dụng quà tặng này.
Để đạt mục tiêu "nhiều bên cùng có lợi", Công đoàn có thể liên kết với một đơn vị phát hành thẻ quà tặng - nơi có sự liên kết rộng lớn với hệ thống các cửa hàng. Mục đích của các cửa hàng là kích cầu, tạo điều kiện để khách hàng - là người lao động - đến với mình, nên họ có thể chấp nhận giảm giá bán - ví dụ 10%. Nghĩa là cửa hàng có thể chấp nhận khách đến thanh toán bằng một thẻ quà trị giá 110 euro nhưng thực chất đơn vị phát hành thẻ chỉ phải thanh toán cho cửa hàng 100 euro. Công đoàn đã trực tiếp giúp "tài sản" của người lao động tăng thêm 10% (từ 100 euro lên 110 euro).
Bên cạnh đó, vì quà tặng của Công đoàn là tài sản của người lao động, nên người lao động có quyền sử dụng tùy thích mà không gặp khó khăn với các điều kiện ràng buộc. Giả sử với thẻ mệnh giá 110 euro như trên, họ có thể mua vài món đồ với giá trị đến 110 euro hoăc bù thêm 10 euro nữa để chi xài 120 euro. Người lao động hoàn toàn không bị yêu cầu phải đăng ký bất cứ dịch vụ nào có trả phí.
Trở lại câu chuyện về "tặng quà, bắt mở thẻ", việc Tổng Liên đoàn Lao động có những thỏa thuận giúp công nhân được hưởng ưu đãi khi sử dụng thẻ tín dụng là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thẻ tín dụng là một sản phẩm tài chính có những ràng buộc về mặt tài chính và pháp lý với khách hàng. Thứ nhất, để có thể sử dụng được số dư ba trăm nghìn, thẻ tín dụng đã được kích hoạt và người dùng phải thông báo hủy để không bị thu phí thường niên. Nó hoàn toàn khác với việc mặc định bị hủy khi số dư bằng không. Vô hình trung, Công đoàn đã bắt buộc người lao động phải có hành động nếu không muốn bị thiệt hại tài chính.
Thứ hai, khi kích hoạt quà tặng, người lao động cũng tự kích hoạt luôn một gói nợ có thể lên tới năm triệu đồng. Thực tế, thẻ tín dụng là một bẫy tiêu dùng với đầy đủ yếu tố tích cực và tiêu cực mà các chuyên gia tài chính cá nhân thường xuyên phải cảnh báo. Trong trường hợp người lao động có thu nhập thấp hay có trình độ hiểu biết thấp, việc mặc định tạo ra một gói nợ, chính xác là một cái bẫy lập lờ.
Việc tạo ra những chiếc bẫy tài chính - dù là vô tình - đã gây khó khăn cho người nhận quà và làm lu mờ giá trị đóng góp của Công đoàn, bởi "của cho không bằng cách cho".
Võ Nhật Vinh