Dâu tây tên khác là dâu đất, loại quả có mùi thơm, vị chua chua ngọt ngọt được nhiều người ưa chuộng. Cây dâu tây nguồn gốc xuất xứ từ Nam mỹ, được người nông dân châu Âu lai tạo vào thế kỷ 18 để tạo ra giống dâu tây phổ biến như ngày nay.
Ở Việt Nam, dâu tây phù hợp với những vùng khí hậu hơi lạnh như Đà Lạt, Sa Pa... Quả dâu hình dáng giống quả tim gà, màu đỏ, cùi mềm, chua ngọt, nhiều nước, không có vỏ cũng không có hạt, được dùng làm món ăn tráng miệng.
Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, cho biết dâu tây giàu vitamin C cùng protein, lipid... Chế độ ăn giàu vitamin C giúp giải trừ cảm cúm, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Do hàm lượng vitamin C rất cao nên dâu tây còn tác dụng bổ mắt, giảm quầng thâm. Chất anthocyannidin trong dâu tây tác dụng đốt cháy chất béo, hỗ trợ giảm cân, trị mụn, đẹp da, làm chậm quá trình lão hóa. Dâu tây rất tốt cho phụ nữ mang thai.
Chất chống oxy hóa trong dâu tây nhiều gấp 3 lần nho đỏ và gấp 10 lần cà chua, ngăn ngừa bệnh ung thư và xơ vữa động mạch. Chất khoáng trong dâu tây cũng phong phú, có tác dụng điều chỉnh sự cân bằng acid và kiềm trong cơ thể, sức khỏe dẻo dai. Đặc biệt, axit hữu cơ trong dâu tây có tác dụng phân giải lipid trong thực phẩm, kích thích tiêu hóa, ăn ngon miệng. Chất pectin có khá nhiều trong dâu tây tác dụng giữ nước, kích thích dịch vị và tăng cường sự co bóp của ruột, trợ giúp đại tiện dễ dàng, loại trừ cholesterol và kim loại nặng dư thừa. Do đó dâu tây rất tốt với người điều trị bệnh mạch vành, cao huyết áp, xơ cùng động mạch, táo bón, suy nhược cơ thể, thiếu máu...
Trong Đông y, quả dâu tây vị chua, ngọt, tính mát, tác dụng bổ phổi, điều hòa chức năng tiêu hóa, bồi bổ cơ thể, giải độc, bổ huyết, ích dạ dày, tiêu mỡ, nhuận tràng... Quả chủ trị ho, chán ăn, thiếu máu, suy nhược, say rượu...
Có thể dùng dâu tây ép lấy nước cho thêm đường uống giải khát. Nước dâu tây tươi cùng nước cốt lê trộn đều uống trị ho. Dâu tây sắc cùng sơn tra uống trị rối loạn tiêu hóa. Dâu tây giã nát trộn đều cùng dầu vừng uống trị táo bón.