Do thời tiết bắt đầu mát hơn, những tuần gần đây, gia đình chị Dương (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chỉ dùng một điều hòa thay vì hai như trước đó, song khi biết số tiền điện tháng 8 phải trả tăng thêm 500.000 đồng so với tháng trước, chị cảm thấy rất bức xúc: "Thông thường số tiền phải trả cao nhất của nhà tôi chỉ hơn 1,5 triệu đồng, vậy mà tháng này thời tiết mát mẻ, gia đình hạn chế sử dụng điện nhưng đơn thanh toán lên trên 2 triệu đồng.
Không biến động về số tiền, song chị Thu (quận Ba Đình) lại khá băn khoăn khi các con đã trở lại trường học, điều hòa không còn bật 24/24h như tháng nghỉ hè nhưng hóa đơn vẫn ở mức 3,6 triệu đồng - mức tương đương với tháng 6 và 7 là cao điểm nhà chị sử dụng điện.
Những trường hợp như chị Dương, chị Thu... khá phổ biến trong những thắc mắc được độc giả chuyển tới VnExpress sau đợt thu tiền điện tháng 8 vừa qua. Theo khảo sát, dù không có trường hợp tăng đột biến gấp 3-4 lần, song hóa đơn thanh toán tiền điện của không ít hộ vẫn tăng 30-40%, dù khách hàng cho rằng thời tiết miền Bắc đã mát mẻ hơn trong tháng qua, khiến thời gian cũng như điện năng tiêu hao của các thiết bị làm mát không còn lớn như trước.
Trao đổi với VnExpress, đại diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) cho biết sau khi đã nhận phản hồi, thắc mắc từ khách hàng về tiền điện, đơn vị đã cử nhân viên đến từng hộ kiểm tra ghi nhận ý kiến. Lý giải về hiện tượng này, ngành điện cho biết số liệu cho thấy đúng là trong giai đoạn cuối tháng 8, đầu tháng 9, nhiệt độ tại Hà Nội cũng như nhiều tỉnh miền Bắc có giảm. Tuy nhiên, trong nửa đầu tháng 8, thực tế vẫn diễn ra những đợt nắng nóng ở cường độ cao, khiến nhu cầu sử dụng điện của khách hàng tăng lên trong những ngày này.
Theo thống kê của hệ thống đo đếm tự động thì sản lượng điện bình quân trong thời gian này vẫn đạt hơn 51 triệu kWh (bằng 98% sản lượng điện nửa đầu tháng 7) thậm chí có ngày cao nhất đạt 61 triệu kWh. Bất thường hơn là trong nửa đầu tháng 9, vẫn có những ngày điện năng tiêu thụ vượt qua mức trung bình tháng 8 (trên 52 triệu kWh mỗi ngày).
"Thông thường, kỳ ghi chỉ số và phát hành hóa đơn tiền điện được thực hiện từ ngày 5 đến 18 hàng tháng. Do đó, kỳ hóa đơn tháng này vẫn nằm trong cao điểm nắng nóng. Như vậy, hóa đơn tiền điện sẽ không thay đổi nhiều so với những tháng trước đó, kể cả tháng 7 là thời điểm nóng nhất cả năm", vị này giải thích. Ngoài ra, đại diện ngành điện cũng nhận định nếu nền nhiệt độ duy trì như hiện nay thì từ đến đầu tháng sau, sản lượng điện tiêu thụ mới có thể giảm dần.
Bên cạnh đó, lãnh đạo EVN Hà Nội cũng cho rằng mật độ dân cư đông đúc, tỷ lệ sông hồ, cây xanh thấp, trong khi tỷ lệ bê tông hoá và sử dụng kính ngăn ở thủ đô khá cao độ hấp thụ nhiệt lớn, làm không khí nóng đến tận đêm có khi duy trì mức trên dưới 30 độ C. Vì vậy, nhu cầu sử dụng điện của nhiều khách hàng chưa thay đổi hẳn dẫn đến hóa đơn tiền điện trong tháng vẫn ở mức cao.
Trước các thắc mắc của khách hàng, ngành điện cho biết với trường hợp có địa chỉ cụ thể, tổng công ty đã gửi ảnh chụp lưu tại điểm ghi chỉ số công tơ tháng 8, 9 để khách hàng cùng kiểm tra. Hộ nào mong muốn tháo công tơ đi kiểm định hoặc thay mới, EVN Hà Nội sẽ đáp ứng. Đối với các trường hợp phản ánh không rõ địa chỉ, đơn vị sẽ tiếp tục kiểm tra và phúc đáp khách hàng.
Thành Tâm