Câu chuyện được anh Nguyễn Tiến Đạt (Thụy Khuê, Tây Hồ) chia sẻ cách đây ít ngày lan truyền khá nhanh trên mạng xã hội Facebook. Theo lời kể của anh Đạt, mẹ anh là bà Đỗ Thị Vân bị một người tự xưng là nhân viên ngành điện lừa nộp 1,2 triệu đồng với một hóa đơn giả, in rất mờ các con số, thông tin. Sau đó ít ngày, lại có một người khác đến, đưa hóa đơn hợp chuẩn với số tiền điện phải đóng cho kỳ tháng 7 là 800.000 đồng. Lúc này, gia đình anh nghĩ mình đã bị lừa, song quyết định không trình báo với cơ quan chức năng.
Chia sẻ với VnExpress, bà Vân một lần nữa khẳng định mình bị lừa. Theo bà, do nhân viên "rởm" thu tiền đúng lúc đang vội đi đám viếng nên sau khi nghe bấm chuông cửa, gọi đúng họ tên chủ hộ và số tiền phải nộp, bà đã thanh toán mà không nghi ngờ. Do đứng phía trong nhà, trời tối nên bà Vân không rõ hóa đơn có được in ở máy POS hay không.
"Sau khi nhận hóa đơn tôi cho luôn vào ví tiền mà không kiểm tra lại chỉ số. Gia đình cũng mới lắp điều hòa nên tôi cũng không thắc mắc việc tiền điện cao hơn thông thường", bà kể lại.
Bà cho biết khi nhân viên ngành điện đến thu sau đó, tìm lại hóa đơn đã nộp, bà mới vỡ lẽ là tờ biên nhận giả vì đã mờ hết mực in. "Nhân viên thu ngân nói đây là hóa đơn từng được dùng trong đợt thí điểm hóa đơn điện tử hồi 2014, khi đó mặt sau không in mực đỏ như hiện hành", bà nói thêm.
Lý giải việc không trình báo lực lượng chức năng sau khi bị lừa, bà Vân cho biết đây là sơ suất của cá nhân nên không muốn làm to chuyện, vì bản thân là người kinh doanh tại chợ nên cũng không thu xếp được thời gian.
Bà cho biết, trước đó, cũng từng có người mạo danh đến lừa đảo nhưng con trai lớn của bà (sống gần đó) đã từ chối thanh toán vì nghi ngờ hóa đơn. Theo bà, trường hợp tương tự sẽ còn diễn ra với các hộ khác. Do đó, sau khi nghe bà Vân kể lại chuyện, anh Đạt đã đăng tải thông tin lên trang cá nhân với mục đích cảnh báo.
Trao đổi với VnExpress về sự việc này, Giám đốc Điện lực Tây Hồ - Đặng Thanh Hoàng cho biết sau khi có thông tin, công ty cùng với lực lượng chức năng đã đến nhà khách hàng xác minh, làm rõ sự việc. Ngành điện và cơ quan chức năng cũng khuyến khích gia đình cung cấp thông tin để truy cứu đối tượng có hành vi lừa đảo, song ngoại trừ tờ giấy có bề ngoài gần giống hóa đơn không đọc được thông tin gì, khách hàng không có thêm bằng chứng nào khác cho thấy việc bị lừa.
“Bình thường với hóa đơn không thông tin cá nhân và số tiền điện phải trả thì chẳng có khách hàng nào dại dột mà đưa 1,2 triệu đồng cho một người thu tiền điện lạ mặt”, lãnh đạo Điện lực Tây Hồ bày tỏ. Ngoài ra, sau hơn một tuần xảy ra sự việc, ngành điện cũng như lực lượng chức năng cho biết cũng không nhận thêm bất kỳ trường hợp nào khác khai báo đã bị lừa đảo tiền điện.
"Từ việc xác minh thực tế cũng như thống kê với 54.000 khách hàng dùng điện trên địa bàn, hiện chưa có cơ sở để xác minh việc người dùng bị lừa đảo hóa đơn điện", vị này nhận định.
Trước băn khoăn liệu hóa đơn từ POS có thể làm giả hay không, Giám đốc Điện lực Tây Hồ cho biết đây là thiết bị có thông số bảo mật cao và được quản lý rất chặt chẽ từ hệ thống của cả ngành điện. Bất kỳ một hóa đơn nào được xuất ra đều được báo về máy chủ. Do đó, ngành điện hoàn toàn quản lý được số tiền của mỗi khách hàng được thu ở đâu vào thời điểm nào.
Với trường hợp có người mạo danh thiết kế thiết bị in tương tự để cố tình lừa đảo, vị này không loại trừ. Song ông cho biết từ khi thí điểm và đến nay, sau gần 2 năm hóa đơn điện tử được sử dụng rộng rãi, ngành điện và cơ quan chức năng chưa tiếp nhận bất cứ phản ảnh nào của khách hàng về việc hóa đơn điện bị làm giả.
Theo ông Hoàng, bất kể sự cố liên quan, khách hàng nên liên hệ trực tiếp với ngành điện để được xử lý nhanh chóng.
Hóa đơn điện tử được EVN Hà Nội thí điểm từ năm 2013 và áp dụng đại trà cho khoảng 2 triệu khách hàng trên địa bàn từ tháng 3 năm nay, thay cho hóa đơn truyền thống. Hóa đơn điện tử cho phép lưu thông tin trực tuyến, người dân có thể tra cứu qua trang web khi cần. Sau khi thanh toán tiền điện, ngành điện sẽ giữ biên nhận (in từ thiết bị POS) tại nhà hoặc phiếu thu nếu thanh toán tại quầy.
Thành Tâm