Vài ngày trước khi được bầu làm tổng thống Nga vào 7/5/2000, Vladimir Putin nói với BBC rằng Nga là "một phần của nền văn hóa châu Âu" và rằng ông "sẽ không loại trừ" khả năng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)
"Tôi không thể tưởng tượng đất nước mình sẽ bị cô lập với châu Âu và điều chúng ta gọi là thế giới văn minh", Putin, người khi đó ở vị trí quyền tổng thống, sau khi Boris Yeltsin đột ngột từ chức cuối năm 1999, cho biết.
15 năm sau, Nga đã có những thay đổi lớn so với thời ông Yeltsin. Trên trường quốc tế, Moscow đối mặt với sự cô lập, các lệnh cấm vận và thậm chí có nguy cơ nổ ra một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Thế nhưng, tại Nga, Putin hồi tháng hai đạt được mức tín nhiệm cao kỷ lục là 86%, bất chấp nền kinh tế sa sút. Dù nhận được nhiều ý kiến trái chiều về chính sách, khó có thể phủ nhận Putin có tác động rất lớn với Nga và thế giới.
Kinh tế
Khi Putin vừa nhận chức, kinh tế Nga đang trỗi dậy từ các cải cách thị trường lớn những năm 1990 và khủng hoảng tài chính năm 1998. Vào thời điểm đó, Putin cắt giảm thuế để có lợi cho doanh nghiệp, tái quốc hữu hóa các ngành then chốt, bắt đầu với sự tan rã doanh nghiệp dầu Yukos của Mikhail Khodorkovsky năm 2003. Những bước đi này được một số nhà phê bình cho rằng không có hiệu quả lâu dài. Tuy nhiên, năng lực sản xuất lớn và giá dầu cao đã mở ra kỷ nguyên thịnh vượng chưa từng có cho Nga, với thu nhập sau thuế của người dân tăng gấp đôi trong giai đoạn 1999-2006.
Khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến cho sự tăng trưởng này phải chững lại. Tài nguyên dầu và khí đốt giàu có kích thích tăng trưởng kinh tế nhưng Nga đang dựa dẫm quá nhiều vào ngành này. Moscow đạt được ít tiến triển trong việc đa dạng hóa nền kinh tế và hiện đại hóa ngành công nghiệp. Ngay cả trước khi giá dầu giảm mạnh và phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt, các nhà kinh tế đã dự đoán kinh tế Nga sẽ trì trệ trong thời gian dài.
Mặc dù Putin gần đây cho rằng phản ứng của Nga với khủng hoảng đồng rúp cuối năm 2014 là "tối ưu", nhiều người cho rằng việc ngân hàng trung ương bất ngờ tăng lãi suất và trái phiếu do doanh nghiệp dầu khí nhà nước Rosneft phát hành đã làm đồng rúp càng tụt giá.
Trong một chương trình phỏng vấn qua truyền hình hồi tháng 4, cựu bộ trưởng tài chính Nga Alexei Kudrin đã nhắc Putin rằng mức tăng trưởng GDP hàng năm 7% vào cuối nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông đã giảm xuống chỉ còn 0,6% năm 2014. Nền kinh tế Nga dự kiến sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay.
Quân đội
Trong nhiệm kỳ thứ hai, Putin đã tiến hành cải cách lực lượng vũ trang đã lỗi thời, và càng tăng tốc thực hiện quá trình này sau cuộc chiến chớp nhoáng với Gruzia. Tỷ lệ chi cho quốc phòng trên tổng GDP của Nga hiện cao hơn Mỹ, đạt mức phân bổ 81 tỷ USD trong năm 2015.
Putin đã thiết lập được lực lượng có khả năng phản ứng tương đối nhanh, tuy nhiên một số thiết bị quân sự tối tân như máy bay chiến đấu tàng hình và xe tăng thế hệ mới vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Tình hình mua vũ khí nước ngoài cũng không mấy suôn sẻ khi Tổng thống Pháp Francois Hollande hồi cuối tháng 4 nhắc đến khả năng hủy hợp đồng và hoàn lại tiền trong thương vụ đóng hai tàu sân bay trực thăng lớp Mistral cho Nga.
Quan hệ với NATO
Dưới thời Yeltsin, Nga theo đuổi chính sách hợp tác miễn cưỡng với NATO và điều này đã thay đổi rõ rệt dưới thời Putin. Kể từ cuộc phỏng vấn đầu tiên với BBC, Putin nhấn mạnh rằng sự mở rộng về phía đông của NATO là mối đe dọa với Moscow. Putin cuối tháng 12 năm ngoái ký học thuyết quân sự mới, khẳng định việc lực lượng nước ngoài triển khai quân trên lãnh thổ các nước láng giềng của Nga có thể nhằm "gây áp lực về chính trị và quân sự".
Theo một báo cáo tháng 11/2014 về số lần đối đầu quân sự giữa Nga và phương Tây, số lần máy bay NATO xuất kích đánh chặn phi cơ Nga nhiều hơn gấp ba lần so với năm 2013. Máy bay chở 132 hành khách của hãng Scandinavian Airlines, cất cánh từ Copenhagen hồi tháng 3/2014 suýt va chạm với một máy bay trinh sát Nga không truyền tín hiệu vị trí.
Lập trường cứng rắn của Putin nhận được sự ủng hộ rất lớn ở Nga, và thậm chí nhận được sự đồng tình từ những người phương Tây tin rằng NATO chỉ tồn tại để đối phó với những bất an mà chính tổ chức tạo ra.
Cuộc xung đột Ukraine đã làm xấu đi nghiêm trọng quan hệ giữa Nga và phương Tây trong năm qua. Giới phân tích cho rằng, trong thực tế, Putin từng khẳng định "quyền lực" ở các nước được cho là sân sau của Nga. 6 năm trước ông đã đặt ra khuôn mẫu cho "học thuyết Putin" ở Gruzia, thể hiện Nga sẽ sử dụng quân đội để bảo vệ lợi ích của mình trong phạm vi ảnh hưởng ngày càng "chật chội" bởi sự phát triển của NATO.
Thế giới đa cực
Quan điểm đối ngoại của Putin là Nga, cùng Trung Quốc sẽ giữ vai trò đối trọng sức mạnh quân sự và chính trị của Mỹ. Khác với Yeltsin, Putin thể hiện rõ quan điểm cứng rắn với Mỹ.
Tuy nhiên, Nga và phương Tây không hẳn lúc nào cũng ở thế đối lập. Các nhà ngoại giao của ông Putin đã làm việc một cách xây dựng với các đồng minh và đối thủ quốc tế về vấn đề vũ khí hạt nhân của Iran và ít nhất cũng đạt được tiến bộ trong việc đàm phán với nước này.
Trục châu Á
Luôn là tiếng nói lớn ủng hộ thế giới đa cực, Putin trong những năm gần đây đã thúc đẩy hợp tác kinh tế và quân sự với các nước châu Á, những nền kinh tế cần năng lượng của Nga. Putin năm ngoái đạt được hai thỏa thuận khí đốt lớn với Trung Quốc, trong đó có một hợp đồng trị giá 400 tỷ USD. Cuối tháng này, hai nước sẽ lần đầu tiên tập trận hải quân chung ở Địa Trung Hải.
Nga cũng đang xuất khẩu công nghệ đường sắt đến Triều Tiên, trong khi Bình Nhưỡng đã thiết lập trại khai thác gỗ và trồng trọt ở vùng viễn đông Nga. Mối quan hệ ngày càng xấu đi với Liên minh châu Âu (EU) là một trong những nguyên nhân Nga hủy dự án đường ống dẫn dầu tới Bulgaria, và điều này càng làm Nga tăng tốc hướng đến châu Á.
Phương Vũ (Theo The Guardian)