Justus Walker, nông dân Mỹ sống tại Nga, đang có sự nghiệp khởi sắc ở nước này, một năm sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt lệnh trừng phạt với Moscow vì khủng hoảng Ukraine.
Walker, với bộ râu rậm làm liên tưởng đến một người nông dân Nga từ những thể kỷ trước, sử dụng nông trại sữa ở Siberia để hỗ trợ cho việc truyền giáo của mình. Anh trở nên nổi tiếng vào tháng 8, ngay sau khi Nga cấm nhập khẩu thực phẩm phương Tây để đáp trả lệnh trừng phạt từ Mỹ và EU.
Người nông dân nói với Russian TV rằng pho mát anh sản xuất từng gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với mozzarella của Italy, cho đến khi lệnh trừng phạt được thực thi. Anh cười sung sướng khi nói: "Bây giờ pho mát Italy sẽ chẳng còn 'có cửa' ở đây nữa".
Đoạn video được lan truyền khắp nước Nga, biến Walker thành một hiện tượng Internet, mặc dù anh sau đó giải thích rằng anh phản đối các lệnh trừng phạt và bình luận của anh bị đưa ra khỏi ngữ cảnh. Doanh số bán hàng của Walker tăng vọt và thậm chí còn có cả đồ lưu niệm ăn theo hình ảnh của anh. "Tôi chưa bao giờ nghĩ điều này sẽ xảy ra, ngay cả trong những giấc mơ điên rồ nhất", Walker nói.
Tác động kinh tế
Lệnh cấm nhập khẩu nông phẩm mà Nga đưa ra để đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây khiến sản phẩm tại Nga lên giá, giúp những nông dân như Walker kiếm được nhiều tiền hơn. Tuy nhiên, Walker cảnh báo rằng điều này sẽ khiến thị trường mất ổn định.
"Tôi nghĩ rằng tác động của lệnh trừng phạt đến thị trường nghiêng nhiều về mặt tiêu cực, vì nó ảnh hưởng đến cơ chế định giá", anh nói. "Chúng tôi không còn biết nên định giá sản phẩm như thế nào. Có chỗ bán với giá 2.000 rúp (35USD) một kg, chỗ khác lại chỉ đòi 900 rúp (15USD) một kg. Giá chấp nhận được trước đây ở mức 750 rúp (13 USD)", Walker cho biết thêm.
Lệnh trừng phạt cũng khiến các dự án quốc tế phải lao đao. Một trong những mục tiêu của các biện pháp này là là doanh nghiệp nhà nước Rosneft. Hãng dầu này phải hoãn kế hoạch khai thác ở Bắc Cực với công ty Mỹ ExxonMobil. Không chỉ vậy, biện pháp trừng phạt còn khiến doanh nghiệp nhà nước Nga không tiếp cận được nguồn cho vay quốc tế, khiến việc tái cấp vốn trở nên khó khăn, tốn kém và trở thành gánh nặng đối với chính phủ.
Tuy nhiên, Evgeny Gavrilenkov, nhà kinh tế tại Sberbank, ngân hàng lớn nhất Nga, cho rằng biện pháp trừng phạt vô tình giúp ích cho các công ty dầu và tài chính lớn của Nga, vì chúng khiến họ từ bỏ những dự án rủi ro trước khi giá dầu giảm.
"Nga nên cảm ơn các lệnh trừng phạt bị áp đặt một năm trước", ông nói. "Tôi có thể thể dễ dàng hình dung rằng nếu không có những biện pháp này, các công ty dầu mỏ và khí đốt Nga sẽ đổ đến Bắc Cực. Thế nhưng, việc khai thác tại đây chỉ có hiệu quả nếu giá dầu ở mức 100 hoặc 110 USD/thùng, còn nếu giá chỉ 40, 50 USD/thùng thì đó sẽ là vấn đề". Giá dầu thô hôm 5/4 ở mức khoảng 54 USD.
Tác động chính trị
Mỹ và EU đưa ra lệnh trừng phạt nhằm buộc Nga phải lùi bước trong khủng hoảng Ukraine, nhưng điều đó không xảy ra. "Các biện pháp trừng phạt không tạo ra sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Putin", Lilia Shevtsova ở viện Brookings cho biết.
Theo Evgeny Gontmakher, giáo sư kinh tế và cựu thứ trưởng Bộ Xã hội Nga, lệnh trừng phạt nhằm vào các cá nhân không thay đổi được Kremlin. Các lệnh cấm vận kinh tế nặng tay hơn sau đó chủ yếu chỉ ảnh hưởng đến dân thường.
Nga ước tính lạm phát năm nay có thể lên tới 12%, tác động xấu đến người lao động vốn phải chịu áp lực việc làm. "Nếu lệnh trừng phạt vẫn được duy trì, thì hầu hết biện pháp này đánh vào giới bình dân chứ không phải thành phần thượng lưu", ông nói. "Lạm phát là thuế đánh vào người nghèo".
Ông cho biết giới giàu và có ảnh hưởng chính trị tại Nga vẫn chưa cảm thấy lo lắng. "Những doanh nghiệp lớn rõ rằng có bất mãn, nhưng đó là vì các kênh hợp tác kinh tế với phương Tây bị chặn. Hoàn toàn không có dấu hiệu cho thấy họ công khai bất mãn hay gây áp lực với tổng thống".
Truyền thông Nga thường cho rằng lệnh trừng phạt của phương Tây là nguyên nhân của hầu hết vấn đề kinh tế Nga hiện nay, một nền kinh tế phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu, Gontmakher nói.
Người Nga nghĩ rằng phương Tây là bên gây ra khó khăn kinh tế cho họ, chứ không phải là hệ thống và thể chế Nga, ông nói. "Vì vậy, những người khởi xướng các biện pháp trừng phạt đã không đạt được mục đích".
Mặc dù các lệnh trừng phạt đã kéo dài một năm, tỷ lệ người Nga ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin vẫn tăng kỷ lục, ở mức hơn 80% trong những tháng gần đây. "Trừng phạt mà không khiến người dân bất bình thì sẽ chẳng có tác dụng" trong việc làm suy yếu chính quyền, Shevtsova nói.
Đối tác mới
Trong khi khủng hoảng Ukraine làm phân tán sự chú ý của Mỹ khỏi chiến lược "trục châu Á" thì biến động chính trị này lại có tác dụng ngược lại với Nga, buộc chính quyền phải tìm kiếm đối tác mới.
Một trong những bước đi nổi bật là thỏa thuận khí đốt 400 tỷ USD kéo dài 30 năm với Trung Quốc, ký kết hồi tháng 5/2014, và nhiều thỏa thuận khác với các nước châu Á và Trung Đông.
"Có rất nhiều bằng chứng cho thấy Nga bắt đầu tìm kiếm đối tác tại Ai Cập, Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ", Yuri Zaitsev, một nhà phân tích tại Viện Gaidar ở Moscow nhận định.
Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng những thỏa thuận mới, chẳng hạn như hợp đồng năng lượng lớn với Trung Quốc, không phù hợp với mục tiêu Nga đề ra là đa dạng hóa nền kinh tế để thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt.
"Không phải là lĩnh vực công nghệ cao và cũng chẳng phải là tài chính, vì những ngành này đòi hỏi có thêm vốn và đầu tư", Zaitsev nói, "Nga vẫn phải dựa nhiều vào tài nguyên thiên nhiên".
Phương Vũ (Theo AP)