"Chúng tôi đã chứng kiến phản ứng của Mỹ với vụ thử vũ khí siêu vượt âm gần đây của Trung Quốc", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói tại diễn đàn đầu tư "Nước Nga vẫy gọi" hôm qua. "Nhưng chúng tôi biết rằng Mỹ đang đi trước một chút trong phát triển vũ khí siêu vượt âm. Họ chỉ đơn giản là không nói về việc đó và không ai gây ồn ào về nó".
Tuyên bố được Putin đưa ra một tháng sau khi Trung Quốc bị nghi thử tên lửa siêu vượt âm có khả năng bay vòng quanh Trái Đất. Truyền thông Mỹ dẫn lời một số quan chức nói rằng họ "bất ngờ" với tiến bộ này của Trung Quốc.
Phó tư lệnh Quân chủng Vũ trụ Mỹ David Thompson hôm 20/11 cho rằng năng lực vũ khí siêu vượt âm của nước này "không tiên tiến" như các chương trình do Nga và Trung Quốc phát triển, cảnh báo Washington đang tụt hậu so với các đối thủ trong cuộc đua phát triển vũ khí tối tân.
Nga hôm 18/11 cũng thử thành công tên lửa siêu vượt âm Zircon phóng từ tàu hộ vệ Đô đốc Gorshkov. Trong khi đó, các cuộc thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm của Mỹ trong tháng 10 đều được cho là đã thất bại.
Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga coi trọng đối thoại về ổn định chiến lược với Mỹ và Trung Quốc. "Chúng tôi tính đến bảo đảm an ninh quốc gia và hợp tác với các đối tác theo hướng quan trọng với đất nước. Một ví dụ là cần đối thoại về ổn định chiến lược với Mỹ và Trung Quốc", ông nói.
Mỹ và Trung Quốc chưa bình luận về tuyên bố của Putin.
Vũ khí siêu vượt âm có tốc độ tối thiểu gấp 5 lần âm thanh (Mach 5), tương đương hơn 6.200 km/h, có khả năng di chuyển phức tạp và chuyển hướng trong khi bay. Tốc độ lớn, khả năng cơ động và đường bay thấp trong khí quyển khiến vũ khí siêu vượt âm rất khó bám bắt và đánh chặn so với tên lửa đạn đạo truyền thống.
Nga, Mỹ, Trung Quốc và ít nhất 5 quốc gia khác đang nghiên cứu công nghệ này, trong đó Moskva và Bắc Kinh đã biên chế một số loại tên lửa hoặc phương tiện lướt siêu vượt âm nhằm thu hẹp khoảng cách về công nghệ quân sự với Washington.
Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) cuối tháng 10 đánh giá Washington chậm chân hơn Moskva và Bắc Kinh vì vũ khí siêu vượt âm Mỹ không được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân. "Điều này khiến vũ khí Mỹ cần có độ chính xác cao hơn nhiều, đặt ra nhiều thách thức phát triển so với những hệ thống trang bị đầu đạn hạt nhân của Nga và Trung Quốc", CRS cho hay.
Vũ Anh (Theo TASS)