"Tôi đã trao đổi với giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya. Họ đã tiến hành nghiên cứu và nhận thấy vaccine Sputnik V giúp vô hiệu hóa biến chủng Omicron. Ông ấy nói với tôi rằng nghiên cứu lâm sàng sẽ mang đến câu trả lời cuối cùng xem mức độ phản ứng cao như thế nào", Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết tại cuộc họp giữa lãnh đạo những nước thuộc Cộng đồng Các quốc gia Độc lập (CIS) hôm 28/12.
Putin nói thêm rằng cuộc trao đổi với giám đốc Alexander Gintsburg của Viện Gamaleya, nơi phát triển Sputnik V, vừa diễn ra hai ngày trước. Mặc dù còn cần nghiên cứu lâm sàng trước khi kết luận, Gintsburg cho biết những nghiên cứu cho tới nay tại Gamaleya giúp họ "tự tin để chắc chắn rằng Sputnik V đạt hiệu quả ở mức độ tuyệt vời" trước Omicron, theo ông chủ Điện Kremlin.
Kirill Dmitriev, giám đốc Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), cơ quan đầu tư và quảng bá Sputnik V, cuối tháng trước cũng cho biết "Viện Gamaleya tin rằng Sputnik V sẽ vô hiệu hóa biến chủng Omicron, vì chúng đạt hiệu quả cao nhất với các biến chủng khác". Hồi tháng 6, Gamaleya công bố vaccine đạt hiệu quả 90% đối với biến chủng Delta.
Sputnik V được điều chế bằng công nghệ vector virus, sử dụng virus vô hại đưa protein của nCoV vào tế bào người, giúp kích thích phản ứng của hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch sẽ nhận biết mầm bệnh, sản sinh kháng thể hoặc tế bào T (tế bào miễn dịch) để tự bảo vệ cơ thể. Phiên bản Sputnik V gồm hai mũi tiêm chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Quản lý Thuốc châu Âu (EMA) phê duyệt.
Biến chủng Omicron được phát hiện đầu tiên ở miền nam châu Phi hồi giữa tháng 11, sau đó lan tới các châu lục khác. WHO xếp Omicron vào danh sách biến chủng đáng lo ngại. Hiện chưa có kết quả nghiên cứu cuối cùng về độc lực của Omicron, nhưng các dữ liệu sơ bộ cho thấy biến chủng này có thể dễ lây hơn các chủng trước và chủ yếu gây triệu chứng nhẹ trên người nhiễm.
Ánh Ngọc (Theo TASS)