Trong cuộc điện đàm kéo dài 105 phút, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Nga Vladimir Putin cũng nhất trí "cần thúc đẩy một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng đang diễn ra và phải làm mọi thứ để đạt được giải pháp", Điện Elysee cho hay, đồng thời thêm rằng Ngoại trưởng của hai nước sẽ gặp nhau "vào thời gian tới".
Theo thông báo từ Điện Kremlin, trong cuộc điện đàm, Tổng thống Putin đổ lỗi cho Kiev về căng thẳng leo thang ở miền đông Ukraine, song nhấn mạnh cần tăng cường nỗ lực ngoại giao nhằm tìm ra hướng đi cho cuộc khủng hoảng nói chung.
Ông đồng thời lặp lại lời kêu gọi "Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) xem xét một cách nghiêm túc các yêu cầu bảo đảm an ninh mà Nga đưa ra".
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn kênh CNN cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng tất cả các dấu hiệu đến nay đều cho thấy Nga chuẩn bị xâm lược Ukraine.
Tuy nhiên, ông khẳng định Mỹ sẽ nỗ lực đến giây phút cuối cùng, sử dụng mọi cơ hội để xem liệu ngoại giao có thể ngăn Tổng thống Nga động binh với Ukraine hay không.
Ngoại trưởng Blinken cho hay Tổng thống Mỹ Joe Biden sẵn sàng gặp người đồng cấp Nga "bất cứ lúc nào, với bất kỳ định dạng nào, nếu có thể ngăn chiến tranh xảy ra".
Căng thẳng giữa Moskva và phương Tây bắt đầu từ cuối năm ngoái, khi tình báo Mỹ cáo buộc Nga dồn lực lượng lớn sát biên giới Ukraine với ý định tiến đánh. Nga bác bỏ, khẳng định mọi hoạt động quân sự trên lãnh thổ là vấn đề nội bộ và chỉ nhằm mục tiêu diễn tập trước mối đe dọa từ kịch bản NATO mở rộng sang phía đông, đồng thời chỉ trích Mỹ và đồng minh phóng đại nguy cơ chiến tranh.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 15/2 thông báo đã rút nhiều đơn vị khỏi khu vực biên giới với nước láng giềng, động thái được đánh giá là nhằm hạ nhiệt căng thẳng và bày tỏ thiện chí trong đàm phán. Tuy nhiên, Ukraine và nhiều lãnh đạo phương Tây vẫn bày tỏ hoài nghi tuyên bố của Nga, yêu cầu Moskva có động thái rút quân thực chất.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 18/2 chỉ trích một số quan chức cấp cao phương Tây, trong đó có người đồng cấp Mỹ Blinken, vì liên tục cáo buộc "Nga sắp tấn công Ukraine" và khiến dư luận lo lắng. "Tôi chắc rằng các nhà quan sát chính sách đối ngoại bình thường từ lâu tự khẳng định rằng tất cả cáo buộc đó đều là tuyên truyền, tin vịt và hư cấu", ông nói.
Giao tranh giữa quân chính phủ Ukraine và phe ly khai ở vùng miền đông Donbass cũng leo thang thời gian qua. Một nguồn tin cho biết những trận pháo kích giữa các bên tham chiến gần đây bùng phát dữ dội nhất kể từ năm 2015.
Nhiều vụ nổ được ghi nhận hôm 18/2 ở hai khu vực do lực lượng ly khai kiểm soát tại Donbass gồm Lugansk và Donetsk. Phe ly khai cùng ngày thông báo bắt đầu sơ tán dân thường sang Nga do lo ngại quân chính phủ Ukraine mở đợt tấn công, song không đưa ra bằng chứng. Quân đội Ukraine bác bỏ cáo buộc này.
Ngoại ô thành phố Lugansk là một trong các địa điểm tại vùng Donbass trong hai ngày qua hứng chịu giao tranh nặng nề nhất kể từ đầu năm, khiến miền đông Ukraine như một "thùng thuốc súng" có thể phát nổ bất cứ lúc nào.
Xem thêm:
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
- Bốn tháng khủng hoảng Nga - Ukraine sục sôi
- Vì sao Nga không động binh với Ukraine?
- Tính toán khiến Mỹ liên tục cáo buộc Nga 'sắp tấn công Ukraine'
Vũ Hoàng (Theo AFP, Reuters)