Maradona - Barca: Mối tình dang dở

"Lần đầu tiên kể từ năm 1947, khi phu nhân Tổng thống Eva Peron ghé thăm Tây Ban Nha, mới lại có một người Argentina khiến xứ Catalan phải chờ đợi đến thế", cây bút Jimmy Burns đã mở đầu như vậy khi mô tả về chuyến đi của Diego Maradona đến Barcelona ngày 4/6/1982 trong cuốn sách "Maradona, bàn tay của Chúa".

Diego Maradona và FC Barcelona lẽ ra phải là mối lương duyên ngọt ngào bậc nhất lịch sử bóng đá thế giới. Nhưng thật kỳ lạ, mảnh đất đầy nắng gió Tây Ban Nha lại không thể là đường băng cho tài năng siêu phàm của Cậu Bé Vàng cất cánh. Thay vì thế, nơi này ghi dấu thời khắc đen tối trong sự nghiệp hiển hách của huyền thoại bóng đá Argentina, với những xung đột đến từ tư tưởng và văn hóa bóng đá.

Tư tưởng khác biệt

Năm 1978, Barca chứng kiến những thay đổi lớn. Đầu tiên là sự ra đi của huyền thoại Johan Cruyff, sau đó là việc đội bóng xứ Catalan có tân Chủ tịch, Jose Luiz Nunez, một doanh nhân người xứ Basque.

Với đường lối tranh cử nhắm đến việc xây dựng Barca trở thành đế chế hùng mạnh cả trong và ngoài sân cỏ, sau khi đắc cử Luiz Nunez quyết định mở rộng sân Nou Camp, thuyết phục các hội viên CLB (socio) tăng phí đóng góp hàng năm. Ông cũng chủ trương khai thác triệt để thương hiệu Barcelona. Và để đảm bảo cho những thay đổi ấy, Nunez chiêu mộ nhiều ngôi sao tầm cỡ hòng chinh phạt trên sân cỏ.

Nunez đắc cử chủ tịch Barca năm 1978, mở ra một kỷ nguyên mới ở CLB xứ Catalan.

Sân Nou Camp đã chào đón Allan Simonsen - Quả Bóng Vàng châu Âu 1977, rồi Bernd Schuster - tài năng trẻ số một nước Đức. Nhưng tất cả không là gì khi đứng cạnh một hiện tượng như Diego Maradona. Với giá 7,3 triệu đôla, Maradona trở thành cầu thủ đắt giá nhất thế giới ở tuổi 22, cùng kỳ vọng về Alfredo Di Stefano thứ hai. Nhưng đó lại là điểm khởi đầu cho câu chuyện nhức nhối giữa hai người đàn ông quyền lực nhất ở Nou Camp.

"Tôi tin Barca là đội bóng dành cho mình, CLB xuất sắc thế giới, nhưng tôi lại không mấy hiểu cá tính của người Catalan và đặc biệt là những tên khốn, Jose Luis Nunez". Đấy là cách Maradona mở đầu câu chuyện về chuyến hành trình gian nan đến Tây Ban Nha trong cuốn tự truyện xuất bản năm 2004.

Nunez là một doanh nhân thành đạt, cá tính đậm chất quân phiệt nên có xu hướng kiểm soát mọi mặt của đội bóng. Ở Barca, một khi đã là ngôi sao, các cầu thủ không đơn giản chỉ đại diện cho một đội bóng mà còn là niềm tự hào của cộng đồng, là hình ảnh cho những đứa trẻ Catalan, như Johan Cruyff trước đây chẳng hạn. Để làm được điều đó, kỷ luật là thứ đầu tiên mà Chủ tịch Barca yêu cầu ở Maradona, nhưng với tài năng người Argentina, đấy chẳng khác nào là sự giam cầm cho lối sống phóng túng của ông.

"Tôi cảm thấy cô độc biết bao khi phải rời xa gia đình và bạn gái Claudia", Maradona bày tỏ khi mới đến Tây Ban Nha. Vài tháng sau đó, ông mang cả đại gia đình đến Barcelona, từ bạn gái, bố mẹ, anh chị em...  Nhưng mọi việc không chỉ có vậy, vì Maradona muốn nhiều hơn thứ tình cảm gia đình đơn thuần. Ông cũng đam mê những trò ăn chơi thời thượng để thỏa mãn cá tính phóng túng của bản thân. Và thế là một loạt những chiến hữu từ Argentina được Maradona thâu nạp đến Barcelona.

Để bớt cô đơn trong thế giới kỷ luật sắt mà Nunez tạo ra ở Barca, Maradona tìm đến bạn bè, và không phải tất cả trong số đó đều là những người tốt.

Nổi bật trong số đó là Oswaldo Buona - người chơi cùng Maradona ở đội trẻ Argentinos Junior, và Ricardo Ayala - người bạn hè phố năm xưa của ông, vốn sống qua ngày bằng móc túi và giật dọc ở Buenos Aires. Kể từ đấy, khái niệm "băng đảng Maradona" trở nên phổ biến nhiều hơn ở Nou Camp và Barcelona sau những vụ ăn chơi trác táng, giành giật gái trong quán bar, trong khi với báo chí xứ Catalan đấy chẳng khác nào những con virus mang mầm bệnh nguy hiểm. Và điều tệ nhất sau đó đã xảy ra - Maradona chơi ma túy.

"Tôi dùng cocaine lần đầu tiên là ở Barcelona, năm 1982. Lúc đấy, tôi mới 22 tuổi và đơn giản là muốn tận hưởng cuộc sống, nhưng tôi không phải là thằng duy nhất, còn nhiều người khác lắm", ông kể lại. Như ông thừa nhận về sau, chính suy nghĩ có phần ngây ngô kiểu đó ở một gã trai mới ngoài đôi mươi, luôn bị bủa vây bởi tiền bạc và cám dỗ xung quanh đã dẫn lối cho sự sa ngã của ông.

Nhưng Barca hoàn toàn khác Napoli - đội bóng cưu mang Maradona sau này - về chỗ đứng trong lịch sử, vì sứ mệnh của họ là "còn hơn cả một đội bóng", và Nunez càng không phải Corrado Ferlaino (người đưa Maradona về Napoli). Ông không  chấp nhận cầu thủ nào đứng trên tập thể. Và khi chuyện Maradona chơi ma tuý vỡ lở, Nunez hiểu đã đến lúc ông phải dùng tới bàn tay sắt để kìm hãm một con ngựa bất kham.

Tháng 5/1983, Barca từ chối để ngôi sao số 10 tham dự trận đấu chia tay huyền thoại người Đức Paul Breitner. Họ giữ lại hộ chiếu để ngăn cản Maradona di chuyển, vì sau đó vài ngày, Barca gặp kình địch Real Madrid ở chung kết Cup Nhà Vua. Và Maradona xem đấy là sự sỉ nhục.

"Tôi nhặt từng chiếc Cup lên rồi ném đi, tiếng vỡ nghe loảng xoảng. 'Cậu điên rồi', Schuster thốt lên. Nhưng đúng là tôi đã phát điên, họ không thể tịch thu hộ chiếu của tôi như thế", ông kể về màn đập phá lịch sử trong phòng truyền thống Barca - khoảnh khắc chứng kiến thứ cá tính bất cần trong con người Maradona trỗi dậy. Barca sau đó phải trả lại hộ chiếu cho ngôi sao bất trị người Argentina. Nhưng cũng giống những chiếc Cup xấu số kia, quan hệ giữa hai bên đã vỡ nát từ hôm ấy, cái tên Maradona hoàn toàn chết trong mắt của đội bóng xứ Catalan.

Những vấn đề ngoài sân cỏ chưa thể dừng lại, khi nếu khả năng chơi bóng của Maradona tài tình bao nhiêu thì kỹ năng quản lý tài chính của ông lại kém bấy nhiêu. Bất chấp mức lương khổng lồ, những hợp đồng quảng cáo đắt đỏ, ngôi sao người Argentina phải đối mặt với nguy cơ phá sản.

"Tôi từng nghe nói nhiều về bạn bè và gia đình cậu ấy cho đến khi tôi là HLV của Barca. Lúc đấy chúng tôi nhận được cả trăm hóa đơn thanh toán mang tên Maradona, nhưng hầu như chẳng có chữ ký của cậu ấy, mà toàn là của gia đình và bạn bè", HLV Terry Venables nhớ lại thời ông mới sang Barca.

Tình hình nguy ngập đến mức Maradona phải gán cả căn biệt thự ở Barca để trả nợ. Đấy là lý do khiến sau này "Cậu Bé Vàng" chọn Napoli thay vì Juventus, bởi đơn giản là đội bóng miền Nam sẵn sàng trả cho ông mức lương gấp hai lần ở Turin.

Maradona ăn chơi đủ các món, giao thiệp rộng, nhưng không biết tính toán. Trong ảnh là một lần ông tụ tập với rocker huyền thoại Freddy Mercury và các thành viên nhóm Queen.

Văn hóa bóng đá

Maradona đến từ Argentina, nơi sử dụng tiếng Tây Ban Nha nhưng trên sân cỏ mọi thứ hoàn toàn ngược lại giữa hai nền văn hóa bóng đá. "Thật khó khăn để bạn phải hấp thụ thứ bóng đá nhanh và quyết liệt ở đây so với lối chơi mềm mại, kỹ thuật ở Argentina. Tôi gần như không thể chạm vào bóng trong những buổi đầu tiên", Maradona kể lại.

Nói đến bóng đá Tây Ban Nha, người hâm mộ dễ hình dung đến những pha bóng kỹ thuật, đan lát đẹp mắt. Nhưng đấy là câu chuyện của hôm nay, và cách chơi ấy chỉ đến sau cuộc chính biến lớn của nước này, với việc chế độ độc tài Franco sụp đổ. Còn trước đó, La Furia Roja (Trận Cuồng phong Đỏ) là cụm từ mô tả chi tiết lối đá quyết liệt, dựa nhiều vào sức mạnh vốn được người Anh mang đến xứ Basque đầu thế kỷ 20.

Dưới thời nhà độc tài Franco, triết lý bóng đá nặng về sức mạnh càng phát triển  khi ông cho rằng "La Furia Espanola đại diện cho mọi mặt của đời sống ở Tây Ban Nha". Franco đòi hỏi các cầu thủ phải có lòng dũng cảm và quyết tâm cũng như xem sân đấu là chiến trường. La Furia Roja thăng hoa trong những năm 50 khi Real Madrid thống trị Cup C1, còn đội tuyển Tây Ban Nha vô địch Châu Âu lần đầu tiên vào năm 1964. Ngay cả khi Johan Cruyff đến Catalan vào năm 1973, thì triết lý La Furia Roja vẫn có ảnh hưởng mạnh mẽ ở Tây Ban Nha.

Với Maradona, đó là sự thay đổi chóng mặt. "Tôi ngay lập tức nhận ra khó khăn thế nào khi phải chuyển từ lối đá kỹ thuật sang sức mạnh. Những gì họ làm chỉ là chạy và chạy". Sau đó, Maradona càng kinh ngạc hơn khi cả đội bước vào màn chạy bền tính điểm trong 12 phút. Kết quả Maradona chỉ đạt 2.700 điểm trong khi phần còn lại đạt từ…5.000 đến 6.000 điểm.

Giai đoạn mới sang Barca là ác mộng của Maradona khi anh phải rèn thể lực dưới sự theo dõi hà khắc của HLV Udo Lattek.

Thời điểm đó, HLV của Barcelona là Udo Lattek, huyền thoại lớn của Bayern trong những năm 70 thậm chí còn nghĩ ra chiêu rèn thể lực khiến Maradona rùng mình. "Ông ta bắt cả đội phải rê những quả bóng nặng đến 8 kilogam từ sân bên này qua bên kia. Nhưng trước những trận đấu với đối thủ mạnh cỡ Real Madrid, trọng lượng bóng sẽ được nâng lên thành 20 kilogam".

Cuộc sống phần nào dễ thở hơn khi Udo Lattek bị sa thải, và người lên thay là Cesar Menotti, HLV người Nam Mỹ mà Maradona xem như người cha đỡ đầu và luôn biết ông phải làm gì. Nhờ đó, số 10 của Barca thăng hoa không ngừng nghỉ trên sân cỏ ở giai đoạn cuối mùa giải 1982-1983 khi được tháo bỏ gánh nặng tâm lý.

Đỉnh cao của sự thăng hoa mà Maradona có được ở Nou Camp cũng đến dưới sự dẫn dắt của Cesar Menotti khi họ cùng nhau giúp Barca đánh bại kình địch Real ở chung kết, đoạt Cup Nhà Vua năm 1983. Nhưng khi tuần trăng mật còn chưa trôi qua, thì biến cố lớn tìm đến với Maradona.

Goikoetxea là ác mộng lớn nhất của Maradona trên sân cỏ trong thời gian ngắn ngủi ông khoác áo Barca.

Sân Nou Camp ngày 24/9/1983, Barca tiếp Athletic Bilbao. Đó là một cuộc đối đầu căng thẳng trên sân cỏ giữa hai luồng tư tưởng bóng đá khác biệt. Menotti là tín đồ của thứ bóng đá đẹp và cống hiến, còn đồng nghiệp bên phía Bilbao, Javier Clemente thì ngược lại, giống như thành trì kiên cố của lối đá thiên về sức mạnh. Trước trận chiến ở Nou Camp, Menotti mắng lối đá Bilbao chẳng khác nào những con bò. Clemente đáp lại: "Tôi nghĩ mình chẳng cần phải tiếp thu từ những HLV chỉ biết ve vãn phụ nữ".

Thời đó, Bilbao là một quyền lực thống trị La Liga, thế nên trận đấu ở Nou Camp không chỉ là màn phân định ngôi thứ, mà còn là cuộc chiến ý thức hệ. Khi hiệp một khép lại, Barca dẫn 2-0, nhưng mọi thứ tệ hại ở hiệp hai. Maradona có pha tiếp bóng kỹ thuật ở giữa sân trước khi đổ gục xuống sau cú triệt hạ của Andoni Goikoetxea. Cả sân lạnh người sau pha bóng của hậu vệ Bilbao.

Nhà báo người Anh nổi tiếng thời đó Edward Owen đã thốt lên "Gã đao phủ Bilbao". Maradona bị tổn thương nghiêm trọng mắt cá và ngồi ngoài ba tháng. Còn Goikoetxea nhận án treo giò 10 trận, nhưng được xưng tụng như người hùng ở xứ Basque.

Maradona bị Goikoetxea vào bóng triệt hạ ngày 24/9/1983
 
 

Cú vào bóng triệt hạ của Goikoetxea khiến Maradona bị gãy cổ chân.

Sau đó, Maradona trở lại, và chơi rất tốt. Nhưng Barca của ông chỉ nhận lấy một mùa giải tồi tệ khi chỉ xếp thứ ba, trong khi Bilbao giành chức vô địch. Nhưng đó vẫn chưa phải là cơn ác mộng cuối cùng cho Maradona và Barca.

Trên sân Santiago Bernabeu, ngày 30/4/1984, Barca tái ngộ Bilbao ở chung kết Cup Nhà Vua. Với những diễn biến căng thẳng trong mùa giải 1983-1984, trận chung kết căng như dây đàn, trở thành một trận chiến thực sự dù trên khán đài có Nhà Vua Juan Carlos.

Cầm bóng nhiều hơn nhưng không thể ghi bàn trước lối đá phòng ngự kín kẽ của Bilbao, Barca nhận bàn thua sau pha dứt điểm của Edinka, nhưng phần gay cấn nhất của trận đấu đến khi mọi thứ đã kết thúc. Sau khi bị hậu vệ Sola khiêu khích, Maradona tung ra cú đấm trúng mặt đối thủ. Mồi lửa bạo lực lan rộng khi các cầu thủ Bilbao nhảy vào tấn công ngôi sao người Argentina. Số này có cả "đao phủ" Goikoetxea, người cố tung ra pha triệt hạ nữa nhưng bất thành.

Sân bóng nổi tiếng thế giới bỗng trở thành võ đài cho cả hai đội, với hình ảnh được lan tỏa đến hàng triệu người hâm mộ Tây Ban Nha. Ngồi ở khu vực VIP, cái lắc đầu của ban lãnh đạo Barca chính là sự chấm hết cho cuộc phiêu lưu của số 10 huyền thoại ở xứ Catalan.

Maradona ẩu đả trong trận chung kết Cup Nhà Vua 1984
 
 

Sau hai năm, mối tình ấy đơn giản là không thể hòa hợp khi cách biệt về tư tưởng, văn hóa giữa đôi bên là quá lớn. Maradona được ví như một con thú hoang dại nên việc gán ông vào những khuôn khổ, lề lối chính là dấu hiệu của sự thất bại.

Để rồi ba năm sau, kẻ thất bại ấy trở thành đấng cứu thế ở Napoli, trở thành biểu tượng đánh bại sự phân chia giai cấp và vùng miền của Italy. Hình ảnh của những hè phố bụi bặm, những người dân miền Nam nghèo khó và bị ruồng bỏ như giúp Maradona tìm thấy chính mình ở quê nhà Buenos Aires. 

Anh Tuấn tổng hợp

Trong suốt chiều dài sự nghiệp, Maradona chỉ hạnh phúc với Napoli.

Bình luận
Ý kiến của bạn