"Bạn mua Ferrari khi muốn trở thành ai đó. Bạn mua Lamborghini khi muốn là ai đó" là câu nói nổi tiếng của Frank Sinatra, huyền thoại âm nhạc Mỹ, một tín đồ của Lamborghini. Hàm ý của ông nói lên cá tính độc đáo rất riêng ở Lamborghini, thứ Ferrari không có.
Ferrari không đồng tình. Sergio Marchionne - CEO của thương hiệu "ngựa chồm", phản bác: "Tôi dành nhiều sự tôn trọng với Stefano Domenicali, CEO Lamborghini. Nhưng có một thực tế, nhiều người mua Lamborghini vì không thể sở hữu xe Ferrari".
Hai câu nói trên nằm trong vô vàn tranh cãi xoay quanh câu hỏi Lamborghini hay Ferrari đáng mua hơn. Chỉ có một cách giải thích, Lamborghini và Ferrari nhắm tới đối tượng khách hàng hoàn toàn khác nhau.
Về sự ra đời của Lamborghini, có lẽ câu chuyện thường nghe là cuộc tranh cãi giữa Enzo Ferrari và Ferruccio Lamborghini. Người sáng lập thương hiệu siêu xe "bò tót" lúc ấy kinh doanh máy kéo, ông đến gặp Enzo để phàn nàn về bộ ly hợp trên xe Ferrari của mình. Enzo gạt tay, đưa ra câu trả lời đầy thách thức, "thợ máy kéo thì không nên quan tâm tới siêu xe".
Bị chế giễu, Ferruccio lập ra hãng xe mang tên mình, Lamborghini, vào năm 1963, chứng minh cho Ferrari biết thế nào là siêu xe đích thực.
Tuy nhiên, chưa có ghi chép nào xác nhận câu chuyện trên có thật. Lý do có thể đơn giản hơn, là Ferruccio nhìn thấy cơ hội kiếm tiền từ siêu xe. Và một điều chắc chắn, Lamborghini tạo những siêu xe dùng cho đường phố, hơn là đường đua như Ferrari. Biểu tượng con bò đực trên logo thương hiệu được chọn vì Ferruccio sinh ra dưới chòm sao Kim Ngưu, và ông thích xem đấu bò. Bởi vậy, mỗi chiếc Lamborghini ra đời đều mang tên của một con bò chiến thắng.
Lamborghini thể hiện sức mạnh
Trước khi Lamborghini xuất hiện với tư cách một hãng siêu xe, Enzo Ferrari đã dựng nên hãng xe mang tên mình vào năm 1929, lấy tên ban đầu là Scuderia Ferrari, và chỉ hoạt động trong lĩnh vực đua xe. Năm 1947, tên gọi chính thức đổi thành Ferrari S.p.A, mở ra câu chuyện đầy tự hào trên đất nước Italy với mẫu siêu xe dân dụng đầu tiên - 125 S.
Hình ảnh "ngựa chồm" đơn giản là huy hiệu trên thân máy bay do phi công huyền thoại Francesco Baracca điều khiển trong chiến tranh Thế giới thứ nhất. Ông qua đời năm 1918. Năm năm sau ngày ông mất, Enzo gặp cha mẹ của Francesco tại một giải đua xe, và ngỏ lời xin được phép sử dụng huy hiệu của vị công tước tài ba. Huy hiệu được đặt trên nền vàng (màu sắc của vùng đất Modena), dưới sự che chở của biểu tượng cờ Italy như một cách thể hiện niềm tự hào dân tộc.
Tiếng tăm của Ferrari gắn liền với những danh hiệu trên đường đua lớn nhỏ, trong đó bao gồm cả giải đua danh giá nhất hành tinh - F1. Ferrari ra sức đầu tư, liên tục nghiên cứu vật liệu nhẹ, công nghệ và hàng nghìn thứ để khiến xe chạy nhanh hơn.
Lamborghini như mảng màu đối lập - từng tham gia giải F1 trong thời gian ngắn (1989-1993) nhưng không để lại gì đáng kể và mau chóng thoái lui. Hiện nay, hãng vẫn tham gia một số giải đua, và quả thực, đường đua không mang lại sự nổi tiếng cho Lamborghini, bởi "bò tót" chọn cách chiến thắng trên đường phố.
"Nếu phải kết thúc một vòng đua nhanh nhất có thể, hãy đưa tôi một chiếc Ferrari", Alex Lee, một người dùng Quora bình luận. "Còn nếu phải lái xe từ công ty về nhà, hãy đưa tôi một chiếc Lamborghini. Chỉ cần đảm bảo đường phố đông người qua lại, ống xả còn hoạt động, gặp đèn đỏ càng nhiều càng tốt và chân đệm ga liên tục. Chỉ vậy đủ giúp tôi chẳng khác gì một ngôi sao đang đón nhận sự ngưỡng mộ từ mọi người".
Nói vậy không có nghĩa Ferrari kém hấp dẫn hay có tiếng động cơ nhạt nhòa, nhưng 2 yếu tố trên không phải điểm mạnh để chinh phục khách hàng. Hiểu biết về đường đua giúp Ferrari ghi điểm với giới nhà giàu bằng hình ảnh những siêu xe xử lý tuyệt vời, và vô cùng thú vị để cầm lái. Lamborghini cũng làm tương tự Ferrari, và dĩ nhiên, đó không phải thế mạnh của "bò tót".
Bài đánh giá Lamborghini Aventador và Ferrari F12 Berlinetta của Road andTrack năm 2012 nêu quan điểm tương tự. Tác giả viết: "Chúng tôi đỗ 2 siêu xe gần nhà thờ Modena, chiếc Lamborghini nhanh chóng biến thành cục nam châm thu hút sự chú ý của mọi người. Còn Ferrari chẳng khác nào máy bay tàng hình. Mọi người trầm trồ vây quanh ngắm nghía và chụp hình cùng Aventador. Dù cho bạn có cố giải thích với đám đông rằng F12 Berlinetta tuyệt vời hơn để trải nghiệm, thì cũng chẳng ai đếm xỉa, vì điều đó chẳng ý nghĩa gì với vẻ đẹp của Lamborghini".
Ngày nay, ai cũng dễ dàng phân biệt chất riêng về thiết kế giữa Lamborghini và Ferrari. Lamborghini góc cạnh, trông chẳng khác nào máy bay phản lực - luôn toát lên vẻ hung dữ. Ferrari lại tôn những đường cong mềm mại, uyển chuyển đầy hoa mỹ. Nhờ vậy, Lamborghini dễ dàng chinh phục nhóm khách hàng trẻ tuổi hơn Ferrari. Siêu xe Lamborghini còn là tấm áp phích tuyệt vời trong phòng ngủ của những đứa trẻ. Với chúng, siêu xe là Lamborghini.
Lamborghini 350 GT 1967 và Ferrari 250 GT/L Lusso 1963.
Quay trở lại những ngày đầu của cuộc chiến, thiết kế của Lamborghini và Ferrari chưa tách biệt như ngày nay. Cả 2 có những mẫu xe nhiều tương đồng. Ví dụ như cuộc Lamborghini 350 GT 1967 và Ferrari 250 GT/L Lusso 1963, Lamborghini Miura và Ferrari 365, Lamborghini Countach 5000S 1984 và Ferrari 512 BB 1978. Thiết kế của Lamborghini mới thay đổi trong hơn 20 năm trở lại đây.
Ferrari không gây nhiều ấn tượng với lũ trẻ, nhưng lại chinh phục dễ dàng giới siêu giàu. Chiếc Ferrari 250 GTO sản xuất 1962-1963 đấu giá thành công năm 2014 với con số lên tới 38 triệu USD.
Ferrari 250 GTO 1962.
Để giải thích về Ferrari 250 GTO, một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân nằm ở độ hiếm và công nghệ đi trước thời đại. Giả sử tài khoản của bạn có hàng triệu USD, nhưng tên bạn không có trong danh sách khách hàng VIP của Ferrari, thì cơ hội mua những siêu xe hàng hiếm từ hãng gần như bằng không. Dĩ nhiên, bạn có thể tới một đại lý tư nhân, nhưng mua được xe chính hãng là chuyện khác.
"Để chắc chắn có thể mua xe, thì bạn phải nằm trong top 50 danh sách chờ đợi", theo Adams, doanh nhân trẻ ngành công nghệ tại Indianapolis, người mua 3 chiếc Ferrari đã qua sử dụng trước khi "cưới" cho mình một siêu xe mới. "Hầu hết những khách hàng mua xe không biết mình ở thứ hạng nào trong danh sách, và những người muốn mua một chiếc Ferrari mới có thể lập tức bỏ thêm 30.000 USD hoặc 50.000 USD".
Nhà kinh tế David Galenson đến từ đại học Chicago lại cho rằng, giá trị xuất phát từ tính sáng tạo và ảnh hưởng thế nào đến xu thế trong tương lai. "Giá trị của Ferrri 250 GTO không đến từ sự hiếm hoi, mà đến từ đẳng cấp chiếc xe thể hiện khi ra đời năm 1962, và đến từ cái cách Enzo và đội ngũ của ông khiến cả giới thiết kế siêu xe sau này cố đi theo những đường cong đó".
Một lý do khác để lý giải cho sự khác biệt - đó là truyền thống và lịch sử. Ferrari có rất nhiều danh hiệu trên đường đua F1, và luôn gắn liền với với lịch sử môn thể thao tốc độ. Daniel Crain, một người sở hữu siêu xe ở Mỹ, nhận định: "Lamborghini giống như một sự hào nhoáng, còn một chiếc Ferrari có một lịch sử tuyệt vời. Giới siêu giàu sẵn sàng trả giá cao cho một chiếc Ferrari cổ, đặc biệt là những chiếc xe gắn với sự kiện nào đó".
Ngoài thiết kế, Lamborghini và Ferrari so kè nhau cả về động cơ. Cả 2 đều trang bị cho mẫu xe của mình công suất tương đương đối thủ. Lấy ví dụ 2 phiên bản thương mại gần đây của 2 hãng là Lamborghini Aventador và Ferrari F12 Berlinetta.
Lamborghini Aventador sử dụng khối động cơ 6.5 V12 công suất 700 mã lực, tăng tốc từ 0-100 kmh chỉ sau 2,9 giây trước khi đạt tốc độ tối đa 350 km/h. Ferrari F12 Berlinetta sở hữu cỗ máy 6.3 V12 công suất 730 mã lực, tăng tốc từ 0-100 km/h sau 3,1 giây, tốc độ tối đa ở mức 340 km/h.
Một điểm đặc biệt khác là quan điểm về phát triển động cơ. Trước đây, cả 2 đều trung thành tuyệt đối với động cơ nạp khí tự nhiên với lý do loại động cơ này cho âm thanh và cảm giác lái tốt hơn rất nhiều so với động cơ nạp khí cưỡng bức (turbo và supercharger). Tuy nhiên, Năm 2014, Ferrari tự phá vỡ điều đó khi đưa động cơ turbo trở lại trên mẫu California sau 20 năm. Lý do đơn giản là để đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về khí thải. Lamborghini vẫn chưa dùng turbo trên bất cứ mẫu xe thương mại nào trong lịch sử. Hãng mới công bố sử dụng động cơ turbo trên mẫu Urus trong tương lai.
"Chọn Ferrari hay Lamborghini tùy thuộc vào nhu cầu cá nhân", tờ TopSpeed viết. "Ferrari tạo ra những siêu xe chú trọng vào khả năng lái, còn Lamborghini là những siêu xe gây sự chú ý. Câu hỏi Lamborghini hay Ferrari đáng mua hơn chỉ là hão huyền. Còn nếu không muốn phân vân, lời khuyên chân thành là hãy mua cả hai".
Thế Anh