Đường tới trước vành móng ngựa của ông Hà Văn Thắm

Gia nhập Ngân hàng Nông thôn Hải Hưng (sau này là Ngân hàng TMCP Đại Dương - OceanBank), Hà Văn Thắm - doanh nhân sinh năm 1972 ở Bắc Giang đã đưa nhà băng này phát triển thần tốc sau khi chuyển đổi mô hình từ ngân hàng nông thôn lên đô thị. Tuy nhiên, cũng chính ông Thắm bị cho là người đã gây hậu quả nghiêm trọng, "phá nát" OceanBank thành một "ngân hàng 0 đồng".

Thời vàng son của OceanBank và Tập đoàn Đại Dương

Sau khi hoạt động với mô hình mới dưới sự dẫn dắt của ông Hà Văn Thắm, từ mức vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng cuối năm 2008, OceanBank đã có quy mô vốn 4.000 tỷ đồng chỉ 3 năm sau đó. Tổng tài sản tăng với tỷ lệ tương ứng từ hơn 14.000 tỷ đồng lên hơn 62.600 tỷ.

Ông Hà Văn Thắm cùng một số thành viên gia đình cũng sáng lập Tập đoàn Đại Dương vào năm 2007. Sau 6 năm, công ty này đã tăng vốn từ 10 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng. 

Theo kết luận của cơ quan điều tra, ông Hà Văn Thắm được cho là sở hữu 63% vốn của OceanBank, thông qua nhiều tổ chức, cá nhân, gián tiếp hoặc trực tiếp. Ảnh: Nhật Minh

Tập đoàn Đại Dương dưới thời ông Thắm làm Chủ tịch kinh doanh đa dạng trong nhiều lĩnh vực: từ bất động sản, khách sạn, tài chính, truyền thông... Trong đó, bất động sản được xác định là mảng chiến lược với các dự án đầu tư lớn ở nhiều thành phố như: Hà Nội, TP HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Vinh, Quảng Ninh. Một số dự án nổi tiếng như: VNT Tower Nguyễn Trãi, StarCity Lê Văn Lương (Hà Nội)…

Dù ông Thắm chỉ trực tiếp đứng tên sở hữu 1,11% ở Tập đoàn Đại Dương nhưng tỷ lệ sở hữu gián tiếp qua các công ty con của ông lại khá lớn. Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo, mà ông Thắm là chủ sở hữu, nắm giữ 44,37% Ocean Group.

Lúc đó, ông Thắm sở hữu khối tài sản lớn bao gồm: Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OGC), Tài sản của doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo... Tài sản công khai của doanh nhân này trong năm 2012 và 2013 đều ở quanh mức 1.500 tỷ đồng.

Toà nhà trên phố Trần Duy Hưng (Hà Nội) - một trong những nơi đặt trụ sở của OceanBank dưới thời Hà Văn Thắm.

Đến cú trượt dốc phá nát OceanBank

Từ một nhà băng đang tiến nhanh trong khối ngân hàng cổ phần, OceanBank nhanh chóng xuống dốc vì những quyết định sai lầm của người thuyền trưởng Hà Văn Thắm. Trước khi ông này và nhiều đồng sự vướng vòng lao lý, có lúc nợ xấu của OceanBank chiếm 50% tổng dư nợ. Khi Ngân hàng Nhà nước quyết định mua lại OceanBank với giá 0 đồng, vốn chủ sở hữu của nhà băng này được kiểm toán thông báo đã âm hơn 10.000 tỷ đồng.

Những sai phạm của Hà Văn Thắm tại OceanBank

Phạm Công Danh - cựu Chủ tịch TrustBank cũng là một mắt xích quan trọng trong vụ án Hà Văn Thắm.

Theo xác định của cơ quan điều tra, các quyết định của vị Chủ tịch ngân hàng đã gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, "phá nát" OceanBank trong giai đoạn trước năm 2014. Ông Hà Văn Thắm bị truy tố 3 tội danh với tổng khung hình phạt lên tới 30 năm tù. Việc xét xử được bắt đầu từ ngày 27/2/2017.

Đầu tiên là tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng. Câu kết với Phạm Công Danh - khi đó vừa mua lại TrustBank (tiền thân của Ngân hàng Xây dựng) vay 500 tỷ đồng thông qua Công ty Trung Dung mà không đảm bảo điều kiện vay vốn, không có tài sản đảm bảo... Phạm Công Danh sau đó lại dùng số tiền này để thanh toán 5 hợp đồng tín dụng mua cổ phần của nhóm bà Hứa Thị Phấn (cổ đông lớn của TrustBank) và nay không có khả năng thu hồi.

Đồ họa: Việt Chung

Tiếp đến, ông Thắm bị truy tố tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng khi chỉ đạo cấp dưới chi trả 1.576 tỷ đồng lãi tiền gửi vượt trần cho khách hàng.

Một tội danh nữa của Hà Văn Thắm là Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ. Cuối năm 2008, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PetroVietnam ký thỏa thuận với OceanBank để trở thành cổ đông và đối tác chiến lược. Lúc này, ông Nguyễn Xuân Sơn giữ chức Tổng giám đốc OceanBank đã đề nghị chi thêm khoản "chăm sóc khách hàng" ngoài lãi tiền gửi để huy động vốn từ PetroVietnam. Ông Thắm qua Công ty cổ phần BSC Việt Nam của mình ký hợp đồng làm dịch vụ với người vay vốn, nhằm thu phí. Theo cáo buộc, việc sử dụng công ty BSC ký hơn 720 hợp đồng dịch vụ khống và một số hợp đồng khác được gần 70 tỷ đồng. Toàn bố khoản tiền này được đưa cho ông Sơn để "chăm sóc khách hàng" khiến OceanBank thiệt hại.

Hàng loạt sếp OceanBank vướng vòng lao lý cùng ông Hà Văn Thắm
 
 

Hàng loạt sếp OceanBank vướng lao lý theo Hà Văn Thắm. Video: Anh Tú

OceanBank thời "hậu" Hà Văn Thắm

Sau khi ông Hà Văn Thắm bị bắt, toàn bộ những khó khăn được phơi bày, khủng hoảng ập đến OceanGroup và đặc biệt là OceanBank. Ngày 6/5/2015, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định mua lại OceanBank với giá 0 đồng và chuyển đổi loại hình thành Ngân hàng thương mại trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đại Dương. 

Đến nay, sau khi được Ngân hàng Nhà nước mua lại và giao cho Ngân hàng Công Thương (VietinBank) hỗ trợ tái cơ cấu, OceanBank đã có lãi trở lại từ cuối năm 2015 và thu hồi được 5.000 tỷ đồng nợ xấu.

Khó khăn của OceanGroup và OceanBank thời 'hậu' Hà Văn Thắm
 
 

Khó khăn của Tập đoàn Đại dương và OceanBank thời "hậu Hà Văn Thắm". Video: Anh Tú

Năm 2016 OceanBank đã có những nỗ lực vượt bậc hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh, trong đó đáng chú ý là sự tăng trưởng tiền gửi khách hàng cá nhân. Mảng cho vay khách hàng cá nhân tăng 1.907 tỷ đồng so với năm 2015. Khi OceanBank chưa được chủ động giải ngân cho vay khách hàng doanh nghiệp, việc phát triển tốt mảng tín dụng cá nhân đã giúp ngân hàng tăng trưởng tín dụng an toàn.

Công tác thu hồi và xử lý nợ có vấn đề tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng. Năm 2016, OceanBank tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm xử lý triệt để các tồn đọng của giai đoạn trước đây.

Năm 2017, nhà băng đặt chỉ tiêu giữ tổng tài sản tương đương năm 2016, tiền gửi khách hàng trên 30.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay khoảng 17.835 tỷ đồng; lợi nhuận đạt mục tiêu tăng gấp đôi năm 2016.

Thanh Lan - Lệ Chi

Bình luận
Ý kiến của bạn