Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, Trịnh Văn Trường thuộc lớp cán bộ trẻ đầu tiên làm việc từ năm 2011 tại Nhà máy Đạm Ninh Bình - một trong những niềm hy vọng của cả ngành hóa chất thời điểm ấy. 5 năm sau, anh kỹ sư quê Nam Định đang cùng những người ở lại nỗ lực vực dậy tổ hợp có vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng, sau khi hơn 400 lao động khác đã ra đi vì những khó khăn của nhà máy...
Câu chuyện nêu trên không phải của riêng anh Trường hay Đạm Ninh Bình. 3 nhà máy khác của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) là Đạm Hà Bắc, DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai cũng đang trong những ngày chật vật để thoát khỏi giai đoạn khó khăn, khiến họ rơi vào thua lỗ tổng cộng hơn 6.000 tỷ đồng và bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt của Chính phủ.
Giai đoạn 2010-2011, Việt Nam cần mỗi năm 2,2 triệu tấn phân urê (phân đạm), trong khi nguồn cung trong nước chỉ đáp ứng được một nửa, chưa kể đòi hỏi của thị trường với các loại phân bón khác. Yêu cầu mở rộng các nhà máy hiện có cũng như phát triển những cơ sở sản xuất mới là tiền đề triển khai loạt dự án tại các công ty thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).
Riêng Đạm Hà Bắc - “anh cả” của ngành phân đạm Việt Nam - khi ấy kỳ vọng đưa sản lượng lên khoảng 500.000 tấn bằng phương án mở rộng trong vòng 4 năm. Kế hoạch này được triển khai năm 2011 với tổng mức đầu tư gần 567 triệu USD (hơn 10.100 tỷ đồng). Cùng lúc, Nhà máy Đạm Ninh Bình (được đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng) cũng bắt đầu đi vào giai đoạn hoàn tất và chạy máy từ năm 2012. Đây cũng là thời điểm nhà máy sản xuất phân bón hỗn hợp của Vinachem là DAP Đình Vũ (Hải Phòng) đã hoạt động và tập đoàn này bắt đầu đầu tư cho một dự án khác là DAP Lào Cai.
Tuy nhiên, ngay sau khi hoàn tất mở rộng năm đầu tiên (2015), Đạm Hà Bắc đã công bố lỗ 669 tỷ đồng (cao hơn số lỗ theo kế hoạch 70 tỷ đồng). Con số tiếp tục tăng lên khoảng 1.000 tỷ đồng chỉ một năm sau đó. Chung số phận, Đạm Ninh Bình cũng ghi nhận lỗ 75 tỷ đồng ngay trong năm đầu tiên sản xuất (2012). Trong vòng 5 năm, số lỗ lũy kế tại dự án này đã vượt trên 3.100 tỷ đồng.
Sau 2 nhà máy đạm, DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai cũng là những cái tên mới được bổ sung vào danh sách 12 dự án thuộc diện kiểm soát đặc biệt của Chính phủ. Nếu DAP Lào Cai lỗ ngay sau năm đầu tiên vận hành (cuối 2014) và lợi nhuận âm đến nay khoảng 1.000 tỷ đồng, DAP Đình Vũ cũng lần đầu ghi nhận lợi nhuận 400 tỷ năm 2016 sau 7 năm chạy máy.
Trong một báo cáo gửi Bộ Công Thương gần đây, lãnh đạo Vinachem thừa nhận tập đoàn đang "bị khó khăn mọi mặt bủa vây”, lỗ 628 tỷ đồng năm 2016, trong đó chủ yếu đến từ 4 dự án nêu trên.
Nhìn lại quãng thời gian khó khăn, ông Nguyễn Văn Minh - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (Đạm Ninh Bình) cho rằng 2 năm qua, thị trường phân bón trong nước đã trải qua nhiều biến động, trong đó có những cú sốc khiến doanh nghiệp không kịp trở tay.
Diễn biến trái chiều của giá khí (dầu mỏ) và giá than - 2 nguyên liệu đầu vào của sản xuất phân đạm (tùy theo công nghệ, thiết bị được lựa chọn) - được xem là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến bất lợi của các nhà máy chạy than như Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc...
Cùng sản xuất, kinh doanh một mặt hàng nhưng khi các nhà máy đạm chạy khí tại Việt Nam như Phú Mỹ, Cà Mau được hưởng lợi từ giá khí đầu vào rẻ (có lúc giảm 50%), thì 4 nhà máy của Vinachem lại gặp khó khăn do nguyên liệu sản xuất là than tăng giá chóng mặt. “Giá than tăng tới 100% so với thời điểm tính toán hiệu quả dự án. Doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận mua và rơi vào cảnh khốn đốn”, ông Minh chia sẻ.
Theo số liệu từ Đạm Hà Bắc, năm 2015 than cám 4a mua từ Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam tăng giá 30% so với mức năm 2009, ở mức 1,86 triệu đồng một tấn (tương đương 83 USD). Việc này khiến công ty phát sinh thêm chi phí khoảng 620 tỷ đồng.
Các nhà máy phân bón của Vinachem cùng lúc cũng phải đối mặt với sự thay đổi chính sách, cụ thể là thuế.
Theo Luật 71 về thuế Giá trị gia tăng (VAT) có hiệu lực từ đầu năm 2015, doanh nghiệp sản xuất không còn được khấu trừ hay hoàn thuế đầu vào như trước. Để bù chi phí, các nhà máy phải cộng khoản này vào giá vốn, làm tăng giá thành sản phẩm. Ông Phạm Văn Trung - Phó tổng giám đốc Đạm Hà Bắc chia sẻ, riêng chi phí tăng thêm do không được khấu trừ, hoàn VAT của doanh nghiệp năm 2015 là 101 tỷ đồng. Tương tự, nhà máy DAP Đình Vũ cũng thiệt hại hơn 70 tỷ đồng từ khoản thuế này…
Ngoài những yếu tố khách quan từ thị trường, chính sách… thì tồn tại trong quản lý, công tác dự báo thị trường cũng được các doanh nghiệp thừa nhận là nguyên nhân cộng dồn, gây khó khăn.
“Đúng là công tác dự báo thị trường của chúng tôi còn hạn chế, làm phát sinh hàng tồn kho tăng cao”, ông Nguyễn Văn Phiên - Phó tổng giám đốc DAP Đình Vũ thừa nhận.
Hạn chế trong dự báo nhu cầu, giá thị trường... nên cuối năm 2015, hàng trong kho của DAP Đình Vũ lên tới 50.000 tấn. Thậm chí từ tháng 6/2016, nhà máy Đạm Ninh Bình đã phải dừng sản xuất vì quá thua lỗ. Một số cơ sở khác cũng không thể hoạt động liên tục trong suốt năm ngoái.
Tại DAP Lào Cai, Phó tổng giám đốc - Lê Văn Tiền cho biết đỉnh điểm trong năm 2016, hàng trong kho lên hơn 70.000 tấn mà không tiêu thụ được. Giá urê quá rẻ, giảm 1/3 so với trước khiến doanh nghiệp cũng không dám “bung” hàng. “Đẩy hàng đi sẽ càng lỗ chồng lỗ”, ông Tiền giãi bày.
Sau khoảng nửa năm “đắp chiếu”, đến đầu 2017, Đạm Ninh Bình bắt đầu hoạt động trở lại sau khi nhận được vốn mồi 49 tỷ đồng từ tập đoàn mẹ. "Nếu không sản xuất, số lỗ của Đạm Ninh Bình sẽ càng tăng lên. Vì thế, chúng tôi buộc phải vận hành, dù chi phí khởi động lại máy móc đang "đắp chiếu" dài ngày lên tới hơn 10 tỷ đồng…”, Phó tổng giám đốc Nguyễn Văn Minh chia sẻ.
Ngoài Đạm Ninh Bình, hai dự án khác của Vinachem sau thời gian sản xuất đình trệ là DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai cũng đã bắt đầu chạy máy đều đặn từ đầu năm nay. Tương tự, Đạm Hà Bắc cũng đang xoay xở sản xuất để thoát khỏi khoản lỗ lũy kế gần 1.700 tỷ đồng sau 2 năm mở rộng.
Chia sẻ với VnExpress, lãnh đạo doanh nghiệp cho hay đều xây dựng phương án tái cơ cấu dựa trên 2 nhóm giải pháp: bằng nội lực và tiếp tục xin ưu đãi từ Chính phủ, trong đó “tự lực cánh sinh” vẫn là ưu tiên chính.
Trong 4 dự án phân đạm đang thua lỗ thì DAP Lào Cai có lẽ là doanh nghiệp "nhanh nhạy" với thị trường hơn cả. Để cạnh tranh với hàng nhập khẩu Trung Quốc đa dạng chủng loại, giá rẻ…, công ty đang chuyển hướng sang sản xuất sản phẩm DAP 64% cho chất lượng tốt hơn mặt hàng DAP 61% phổ biến trên thị trường và sản phẩm axit photphoric phục vụ xuất khẩu. Cùng với đó, thay vì làm ồ ạt như thời gian trước, nhà máy này hiện chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng từ bộ phận nghiên cứu thị trường để giảm tối đa tồn đọng.
Chỉ vào kho hàng chứa đầy phân đạm vừa xuất xưởng, Phó tổng giám đốc Lê Văn Tiền cho hay: "Số hàng này đã có chủ, chỉ vài ngày nữa là được xuất kho, vận chuyển cho đối tác".
Bên cạnh đó, tinh gọn biên chế, giảm quỹ lương cũng là giải pháp được nhiều đơn vị nghĩ đến, dù xem đây là cách làm đau đớn. Ngoài 200 lao động đã nghỉ việc năm 2016, lãnh đạo Đạm Hà Bắc cho biết sẽ tiếp tục giảm nhân sự trong năm nay.
Tại Đạm Ninh Bình, dù không tính đến chuyện thu nhỏ thêm bộ máy song thực tế, việc sản xuất đình đốn nhiều tháng đã khiến hàng trăm lao động rời công ty. Với những người ở lại, lãnh đạo nhà máy có vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng cho biết hiện mới chỉ cố gắng duy trì được mức lương tối thiểu 3,1 triệu đồng một tháng cho người lao động. “Cả hai vợ chồng tôi đều làm trong nhà máy. Dù khó khăn nhưng chúng tôi nghĩ không thể bỏ nơi gắn bó với mình khi gặp hoạn nạn. Làm công việc hiện nay, tôi cũng thấy mình phát huy được khả năng”, anh kỹ sư Trịnh Văn Trường chia sẻ.
* Tâm tư người lao động tại 4 nhà máy của Vinachem
Bên cạnh những nỗ lực nói trên, đại diện doanh nghiệp vẫn cho rằng để sớm đưa các dự án hoạt động hiệu quả trở lại, họ vẫn cần thêm các ưu đãi cũng như “may mắn”.
Tính toán của Đạm Ninh Bình cho biết nhà máy chỉ có thể giảm lỗ về 250 tỷ đồng (tương đương 30% tính toán lỗ ban đầu) trong năm 2017 nếu giá urê tiếp tục tăng trong năm nay. “Giá đạm vẫn đà đi lên sau năm 2018 nhà máy mới cắt hết lỗ”, ông Nguyễn Văn Minh nói. Tương tự, DAP Lào Cai cũng nhìn nhận dù giá urê thì doanh nghiệp cũng chỉ giảm lỗ được xuống 200 tỷ đồng trong năm nay. “Muốn hết lỗ và có lãi trở lại thì phải vài năm nữa, và còn phụ thuộc vào diễn biến thị trường”, ông Lê Văn Tiền chia sẻ.
Duy nhất trong số này chỉ DAP Đình Vũ tự tin sẽ cắt lỗ trong năm 2017, nếu sản xuất và tiêu thụ hết 268.000 tấn phân bón DAP với giá bán bình quân trên 7,58 triệu đồng một tấn. “Tiêu thụ hết sản lượng này chúng tôi còn có lãi 1,2 tỷ đồng”, Phó tổng giám đốc DAP Đình Vũ hồ hởi.
Để đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu, hầu hết doanh nghiệp đều kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành gỡ khó về chính sách thuế, giá than đầu vào, giảm lãi suất vay ngân hàng, khoanh nợ… “Chúng tôi xin gỡ khó về chính sách VAT tại Luật thuế 71, vốn đang gây trở ngại cho doanh nghiệp và mong muốn có chính sách bảo hộ mặt hàng phân DAP trong nước trước sóng nhập khẩu ồ ạt phân bón giá rẻ từ Trung Quốc…”, lãnh đạo DAP Lào Cai kiến nghị.
Với vai trò tập đoàn mẹ, hồi cuối năm 2016, Vinachem cũng đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, Chính phủ đề nghị một loạt ưu đãi. Cụ thể, với Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc, tập đoàn này đề nghị Chính phủ trước mắt xem xét cho giảm lãi vay về mức 8,55% một năm cho tổng số tiền hơn 3.370 tỷ đồng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Lãnh đạo Vinachem cũng kiến nghị cho phép khoanh nợ khoản vay của Đạm Ninh Bình tại ngân hàng Eximbank Trung Quốc trong thời gian 5 năm (2016-2020) và không phải trả nợ gốc, lãi phát sinh trong 5 năm này...
Tuy nhiên, tại nhiều cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ vừa qua, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhiều lần khẳng định: Nhà nước sẽ không bỏ thêm tiền để “cứu” số dự án này, tất cả phải phụ thuộc vào việc doanh nghiệp tự tái cơ cấu…
Anh Minh - Anh Tú