Hơn 7.000 podcast đã được phát trực tuyến ở Trung Quốc năm ngoái với lượng thính giả lên tới gần 10 triệu người. Con số này chỉ là một phần nhỏ ở Trung Quốc, nhưng đang phát triển nhanh trên thị trường lớn nhất thế giới về nội dung âm thanh trực tuyến.
Podcast từ lâu đã có vị thế trong truyền thông phương Tây, song mới chỉ bắt đầu có chỗ đứng trong ngành truyền thông được quản lý chặt chẽ tại Trung Quốc. Sinh viên Cheng Yifan, người luôn nghe podcast mỗi đêm, coi loại hình này như luồng gió mới.
"Podcast ít tuân theo các chuẩn mực xã hội hơn các loại hình truyền thông truyền thống. Các kênh truyền thông dường như vẫn thiếu yếu tố phê bình", Cheng, 19 tuổi, nói.
Cheng nằm trong số hơn 100 thính giả từ khắp Trung Quốc thường tới một hiệu sách ở Bắc Kinh vào cuối tuần để gặp người dẫn chương trình The Weirdo, một trong những podcast yêu thích của anh.
"Tôi hy vọng thính giả của chúng tôi có tầm nhìn rộng và có thể cởi mở hơn về những quan điểm khác nhau. Không chỉ có đúng và sai, những điều trong 'vùng xám' còn chưa rõ ràng cũng nên được thảo luận", người dẫn chương trình Meng Chang, 34 tuổi, chia sẻ.

Những người làm chương trình The Weirdo trong một phòng thu ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP.
Một vài podcast nổi tiếng của Trung Quốc đã tìm hiểu về tỷ lệ sinh thấp ở nước này và tổ chức các cuộc thảo luận với những người có tiếng nói như đại sứ Anh tại Trung Quốc.
Theo Wang Qing, 31 tuổi, một người dẫn chương trình khác của The Weirdo, thính giả nghe podcast chủ yếu là "những người trẻ tuổi học thức cao, sống ở các thành phố hạng một hoặc hạng hai".
Yang Yi, đồng sáng lập công ty phát thanh truyền hình JustPod, ước tính quy mô thị trường podcast lên tới 10 triệu người vẫn chỉ là một phần nhỏ dân số Trung Quốc. Đối với nhiều thính giả nước này, các nội dung mới lạ, ít xuất hiện trên truyền thông chính thống của podcast là yếu tố thu hút chính.
Trên chương trình StoryFM, một người đồng tính nữ đã trải lòng về cuộc nhân giữa cô và một người đồng tính nam, một giáo viên lại kể về câu chuyện bị lạm dụng trong chính ngôi làng của mình hay một gái mại dâm chia sẻ lại câu chuyện cô bị lừa vào con đường này.
"Khi kể lại câu chuyện của chính mình, mọi người sẽ thể hiện dấu ấn cảm xúc thật sự. Điều này sẽ giúp người nghe nhanh chóng bước vào thế giới của họ, hiểu được trải nghiệm và lựa chọn của họ", Kou Aizhe, 38 tuổi, nhân viên StoryFM, cho biết.
Ngoài những vấn đề nhạy cảm, gây tranh cãi, các podcast ở Trung Quốc cũng tập trung vào những yếu tố mà người trẻ quan tâm. Chương trình The Weirdo khai thác văn hóa làm việc "996" chốn công sở, tức là làm việc từ 9h sáng tới 9h tối, 6 ngày/tuần.
Để tiếp cận tới nhiều thính giả hơn, các nền tảng âm thanh trực tuyến ở Trung Quốc cũng phải hợp tác với một số nhà sản xuất xe hơi để tích hợp podcast vào hệ thống giải trí trên xe.
Tuy nhiên, để có thể tồn tại lâu dài, người làm podcast phải xây dựng nội dung thật cẩn trọng. Nhiều tập podcast đã bị xóa khi bàn luận về các vấn đề chính trị xã hội quan trọng ở Trung Quốc.
"Khi một loại hình trở nên phổ biến, kiểm duyệt là điều không thể tránh khỏi. Nhưng đó cũng là sự thừa nhận về tầm ảnh hưởng của bạn", Yang của JustPod nhận định.
Ngọc Ánh (Theo AFP)