Nhân kỷ niệm 70 năm sự nghiệp Pierre Cardin, phim tài liệu House of Cardin thuật lại cuộc đời của nhà thiết kế sẽ phát hành ngày 21/8 dưới dạng VODc và Digital. Trước đó, tác phẩm của đạo diễn P. David Ebersole và Todd Hughes từng được giới thiệu tại Liên hoan phim Venice 2019, nhận lời khen từ giới chuyên môn và người yêu thời trang. Hai nhà làm phim theo chân Pierre Cardin từ thuở ông còn là cậu bé đam mê thiết kế tại Saint-Étienne (Pháp) tới lúc thành huyền thoại. Từ đó, phim nêu bật lên triết lý muôn thuở của ông: "Trang phục tôi thích là thứ được làm ra cho cuộc sống chưa xảy đến - thế giới ngày mai".
Cardin dành cả đời say mê phong cách vị lai. Các thiết kế đầu tiên của ông những năm 1950 phản ánh tinh thần đổi mới, tự do thời hậu chiến. Váy bong bóng (bubble dress) gây sốt với chi tiết xếp nếp tổ ong quanh eo, tạo độ phồng cho chân váy. Suit nam cũng lập tức được yêu thích bởi trẻ trung, hiện đại. Đỉnh cao là thiết kế blazer không cổ được nhóm huyền thoại The Beatles lựa chọn trong bộ ảnh giới thiệu thành viên những năm đầu sự nghiệp.
Kết cấu hình học, những đường cut-out táo bạo, trang sức và khóa kéo khổ lớn kết hợp các chất liệu tổng hợp hiện đại như acrylic, vinyl, sequin, sợi kim tuyến, vải ánh kim... thường xuyên xuất hiện trong trang phục Cardin. Ông thậm chí nghiên cứu, sáng tạo mẫu vải mang tên mình - Cardine - chất liệu cho phép đúc nhiệt thành các cấu trúc hình học phức tạp.
Tình yêu không gian, vũ trụ tạo tiền đề cho nhiều bộ sưu tập để đời mang tinh thần tương lai của Cardin trong suốt thập niên 1960 - 1970. Giai đoạn này, Cardin ra mắt ồ ạt trang phục lấy cảm hứng từ cuộc đua vũ trụ giữa Mỹ - Nga. Trong đó, bộ sưu tập Cosmocorps ra mắt năm 1964 thành tiền đề cho trang phục trong phim khoa học viễn tưởng Star Trek năm 1966. Trong phim House of Cardin, khao khát của ông được tiết lộ: "Vào năm 2069, tất cả chúng ta sẽ đi bộ trên Mặt trăng hoặc sao Hỏa, mặc Cosmocorps. Phụ nữ đội mũ acrylic hình hộp, mặc đồ hình ống trong khi đàn ông mặc quần elíp và áo điện tử".
Cardin yêu vũ trụ tới mức năm 1970, ông tới NASA, xin nhân viên mặc thử đồ không gian của Neil Amstrong và yêu thích thiết kế ngay lập tức. Ông nói trên WWD: "Cảm giác rất ấn tượng, nhẹ nhàng và oai vệ cùng lúc, như đang đi trên không khí vậy. Đó là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất đời tôi".
Theo Vogue, Pierre Cardin là huyền thoại thiết kế của đại chúng. Sinh năm 1922 tại Italy, Cardin và gia đình chuyển đến Saint-Étienne (Pháp) năm ông hai tuổi để thoát khỏi chủ nghĩa phát xít. Cha ông - một thương gia buôn rượu vang giàu có - muốn Cardin nối nghiệp hoặc theo ngành kiến trúc, nhưng từ nhỏ ông thích làm quần áo. Từ năm 14 tuổi, cậu bé Cardin bắt đầu làm thợ may học việc, học các kiến thức liên quan tới thời trang. Theo Vogue, ông có kiến thức rộng về xây dựng, kiến trúc, điêu khắc và là nhà tạo mẫu hiếm hoi thời đó có cả kỹ năng cắt may tuyệt vời.
Cậu thanh niên trẻ tới Paris năm 1945, làm việc cho nhà mốt Paquin, Elsa Schiaparelli trước khi thành thợ chính cho xưởng may của Christian Dior thời kỳ New Look nở rộ vào năm 1947. Dior từng nhận xét: "Những nhà thiết kế như Pierre Cardin là tương lai của haute couture".
Năm 1950, Pierre Cardin thành lập thương hiệu mang tên mình. Phong cách thanh lịch, hiện đại giúp ông nhanh chóng được đệ nhất phu nhân Mỹ Jackie Kennedy, các ngôi sao truyền hình và người dẫn chương trình nổi tiếng yêu thích. Trên màn ảnh và bìa tạp chí, nữ diễn viên Elizabeth Taylor, Jeanne Moreau, Brigitte Bardot và Mia Farrow giúp Cardin lan rộng ảnh hưởng tới đại chúng.
Trong suốt thời hoàng kim, nhà tạo mốt tiên phong nhiều xu hướng thời trang. Ông lãnh đạo cuộc cách mạng cách tân đồ nam, giới thiệu những trang phục gợi cảm, thanh lịch, tôn chiều cao và tuổi trẻ đàn ông. Mong muốn mang couture tới đại chúng, ông thành nhà thiết kế thời trang xa xỉ đầu tiên ra mắt bộ sưu tập may sẵn năm 1959. Động thái này khiến Cardin bị trục xuất tạm thời khỏi Chambre Syndicale de la Haute Couture (Liên đoàn thời trang cao cấp Pháp). Nhưng vị thế của ông lại được nâng cao bởi đón đầu nhu cầu quần áo may sẵn tăng lên trong khi đồ xa xỉ giảm dần từ những năm 1960.
Pierre Cardin dành tình yêu, cảm hứng đặc biệt với châu Á. Ông mời Hiroko Matsumoto làm nàng thơ của mình, biến cô thành người mẫu Nhật Bản đầu tiên làm việc với đồ haute couture. Ông cũng là nhà thiết kế châu Âu đầu tiên đem thời trang tới Nhật, tổ chức nhiều show diễn ở cả Trung Quốc và Việt Nam. Siêu mẫu Naomi Campbell đánh giá cao Cardin bởi ông là một trong những người đầu tiên sử dụng mẫu da màu trình diễn.
Trong những năm 1970 - 1980, Cardin lấn sang lĩnh vực nước hoa, mỹ phẩm, thiết kế nội thất, thiết kế ôtô, thậm chí giấy vệ sinh, giá đỡ bút chì, mũ bóng chày, thành nhà mốt đầu tiên đứng tên nhiều lĩnh vực trên phạm vi toàn cầu. Tờ Harvard Business Review, WWD cho rằng việc này làm lu mờ tên tuổi của Cardin trong thời trang. Tuy nhiên nó đem lại lợi nhuận khổng lồ mỗi năm, biến Cardin thành một trong những doanh nhân giàu nhất nước Pháp.
Trong House of Cardin, khi được hỏi bí quyết thành công, Cardin lặp lại ba lần từ "làm việc". Ở tuổi 98, Cardin vẫn chưa tính chuyện nghỉ hưu, ông tổ chức nhiều buổi trình diễn thời trang kỷ niệm tại các bảo tàng. Năm 2018, Cardin giới thiệu show kỷ niệm tại Vạn Lý Trường Thành. Đến năm 2019, ông tiếp tục ra mắt bộ sưu tập Xuân Hè ở Trung Quốc.
Matthew Yokobosky - quản lý show Future Fashion của Cardin tại bảo tàng Brooklyn năm 2018 - nhận xét: "Điều mà những người năm 1960 nghĩ về tương lai không giống chúng ta hiện tại, bởi khác biệt hoàn cảnh xã hội, nhưng Cardin tạo bước tiến lớn. Chúng ta có thể không mặc toàn bộ thiết kế của ông, nhưng dấu ấn của ông đậm nét tới nỗi buộc chúng ta tự hỏi: Liệu điều gì xảy đến trong tương lai?".
Bảo Thư