Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu quân đội tiến vào hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine để "gìn giữ hòa bình", sau khi ký sắc lệnh công nhận độc lập cho Donetsk và Lugansk tại miền đông Ukraine ngày 21/2.
Dù Nga chưa tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn vào Ukraine như Mỹ cảnh báo, một loạt diễn biến mới trong những ngày qua cho thấy con đường ngoại giao ngày càng thu hẹp. Trong bài phát biểu kéo dài một giờ ngày 21/2, ông Putin đặt câu hỏi về tính hợp pháp của một nhà nước Ukraine độc lập, cũng như mô tả NATO là mối đe dọa trực tiếp với Nga.
Tuyên bố công nhận độc lập cho hai vùng ly khai miền đông Ukraine và điều động quân tới đó "tạo tiền đề cho những bước tiếp theo", theo Michael Kofman, giám đốc nghiên cứu về Nga tại tổ chức nghiên cứu CNA ở Virginia, Mỹ.
"Tại Nga, nó cung cấp cơ sở chính trị-pháp lý để điều động lực lượng Nga. Nó cũng cung cấp cơ sở pháp lý cho việc sử dụng vũ lực để bảo vệ công dân Nga ở những khu vực ly khai", ông nói.
Nga đã điều động hơn 100.000 quân áp sát biên giới Ukraine, động thái mà phương Tây cáo buộc nhằm lên kế hoạch tấn công Kiev. "Nga không cần tích lũy hơn 100.000 quân chỉ để công nhận độc lập của Donetsk và Lugansk", Natia Seskuria, thành viên Viện nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia ở London, Anh, nói.

Xe tăng Nga tập trận ở vùng Rostov, gần biên giới Ukraine đầu tháng này. Ảnh: Reuters.
Năm 2014, Nga sáp nhập bán đảo Crimea và ủng hộ phe ly khai ở miền đông Ukraine trong cuộc xung đột âm ỉ nhiều năm, khiến hơn 14.000 người thiệt mạng.
Các cuộc pháo kích đã gia tăng ở vùng Donbass trong những ngày gần đây. Lãnh đạo phe ly khai đổ lỗi cho Kiev dù không có bằng chứng, đồng thời kêu gọi cư dân sơ tán. Đến ngày 21/2, Tổng thống Putin triệu tập cuộc họp với hội đồng an ninh quốc gia Nga và vài giờ sau, quyết định công nhận độc lập hai khu vực ly khai được đưa ra.
Olga Lautman, thành viên cấp cao tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu, mô tả động thái của Nga như một cuộc tấn công. Nhưng bà cũng không loại khả năng đây là hành động đánh lạc hướng cho những bước đi lớn hơn.
Nghị sĩ Mỹ Liz Cheney đăng Twitter nói "Nga xâm lược Ukraine", đồng quan điểm với Michael McFaul, từng là đại sứ Mỹ tại Nga dưới thời tổng thống Barack Obama.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác có cách nhìn nhận khác. "Đây vẫn chưa phải một cuộc xâm lược. Nó chỉ đánh dấu sự leo thang hạn chế trong cuộc xung đột âm ỉ ở Donbass từ năm 2014", Anatol Lieven, nhà phân tích của tổ chức nghiên cứu Quincy Institute for Responsible Statecraft tại Mỹ.
Nhà Trắng tuyên bố sẽ áp các lệnh trừng phạt mới với Nga. Tuy nhiên, Mỹ cũng chưa gọi những động thái mới của Moskva là "cuộc xâm lược", mà chỉ mô tả các hành động của Nga là "sự leo thang dọc biên giới Ukraine" và "cuộc tấn công vào chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Ukraine".
Một quan chức Nhà Trắng nói dù Mỹ chưa loại trừ các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn, họ "sẽ đánh giá những gì Nga làm chứ không tập trung vào những gì Nga nói".
Thế giới đã theo dõi chặt chẽ những động thái của quân đội Nga giáp biên giới Ukraine từ tháng 11/2021. Nga đã đưa ra một loạt yêu cầu an ninh, trong đó có cấm Ukraine trở thành thành viên NATO và liên minh phải rút quân đội triển khai ở một số nước Đông Âu.
Dù Mỹ và NATO khẳng định không từ bỏ chính sách mở cửa, các nỗ lực ngoại giao với Nga vẫn không từng tăng tốc. Nga một mặt nói nhất trí hướng tới con đường ngoại giao cho cuộc khủng hoảng, mặt khác vẫn tăng cường điều động quân và tập trận quân sự.
Giới quan sát trước đó nhận định những động thái của Nga ở khu vực biên giới Ukraine chỉ là gia tăng sức ép để buộc Mỹ và phương Tây ngồi vào bàn đàm phán về các yêu cầu an ninh. Tuy nhiên, động thái của Putin ngày 21/2 báo hiệu một hướng đi mới, theo các chuyên gia.
"Hôm nay Nga tuyên bố thỏa thuận Minsk đã chết hoàn toàn, điều đó đồng nghĩa thời đại Nga cố gắng đạt các mục tiêu thông qua đàm phán về Donbass đã kết thúc", Samuel Charap, nhà khao học chính trị cấp cao tại RAND Corporation, nói. "Họ có thể sắp thiết lập ảnh hưởng thông qua sử dụng vũ lực".
Putin có lẽ là một trong số rất ít hoặc thậm chí là duy nhất biết về điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Nhưng giới quan sát nhận định cánh cửa ngoại giao đang dần khép lại, khi Putin dường như đang tìm cơ hội để thực hiện một cuộc tấn công mạnh mẽ vào Ukraine, thậm chí là thủ đô Kiev.
Đây là kịch bản tồi tệ nhất mà Nhà Trắng cảnh báo, với hàng chục nghìn người thiệt mạng và có thể thúc đẩy một cuộc khủng hoảng tị nạn.

Bán đảo Crimea và vùng Donbass. Đồ họa: Washington Post.
Leo thang căng thẳng ở miền đông Ukraine xảy ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có cuộc điện đàm nhiều giờ với Tổng thống Putin, cũng như trước cuộc gặp dự kiến giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov.
Rajan Menon, giám đốc chương trình chiến lược lớn tại Defense Priorities, cho rằng những động thái mới nhất của Nga gần như chắc chắn gây tổn hại cho bất kỳ hội nghị thượng đỉnh nào.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 21/2 chỉ trích hành động của Nga. "Chúng tôi đang ở trên đất của chúng tôi. Chúng tôi không sợ bất kỳ điều gì và bất kỳ ai. Chúng tôi không nợ ai bất kỳ điều gì. Chúng tôi sẽ không cho ai bất kỳ điều gì", ông nói.
Tuy nhiên, Ukraine không có nhiều lựa chọn, theo các chuyên gia. Nếu bắn trả, quân đội Ukraine có nguy cơ khiến Nga có lý do để tấn công. Mỹ cũng nhiều lần cáo buộc Moskva đang cố "dựng cớ" để tấn công Kiev.
"Bằng cách công nhận độc lập của Donetsk và Lugansk, Điện Kremlin đã đặt nền móng cho tham vọng đạt các mục tiêu thay đổi chế độ ở Ukraine, đưa quốc gia này trở lại phạm vi ảnh hưởng của Nga", Seskuria nói.
Kịch bản này chưa xảy ra, nhưng câu hỏi mà nhiều người quan tâm hiện nay là điều gì sẽ đưa Nga đi đến cái đích đó. Như Tổng thống Joe Biden từng lưu ý vào năm 2018 khi nói về Nga tại Hội đồng Đối ngoại rằng "Bố tôi từng nói rằng 'đừng bao giờ dồn một người vào con hẻm mà cách duy nhất để thoát là vượt qua bạn'. Hãy nhìn vào Nga bây giờ. Họ đang đi đâu?".
Xem thêm:
- Công nhận hai vùng ly khai Ukraine, Putin muốn gì?
- Phương Tây có thể trả đũa Nga thế nào?
- 5 câu hỏi về khủng hoảng Ukraine
- Bốn tháng khủng hoảng Nga - Ukraine sục sôi
Thanh Tâm (Theo Vox)