Các nhà khoa học phát triển phương pháp sử dụng vi sinh vật phân tách chất thải rắn và lỏng, tạo ra một loại chất dính giàu protein và chất béo làm thực phẩm cho phi hành gia, News.com.au hôm 28/1 đưa tin.
Tái chế chất thải thành thức ăn sẽ là một giải pháp quan trọng trong các chuyến thám hiểm không gian, theo giáo sư nghiên cứu vi sinh vật Christopher House tại Đại học Bang Pennsylvania. Việc mang thức ăn từ Trái Đất sẽ làm tốn không gian và tăng thêm cân nặng, trong khi trồng thực phẩm trên tàu vũ trụ đòi hỏi rất nhiều nước và năng lượng.
"Chúng tôi hình dung và thử nghiệm việc đồng thời xử lý chất thải của phi hành gia bằng vi sinh vật trong khi tạo ra một loại sinh khối ăn được trực tiếp hoặc gián tiếp, tùy thuộc vào vấn đề an toàn. Ý tưởng này nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng thực chất lại hơi giống với việc ăn sốt marmite hoặc bơ vegemite, một loại chất dính vi sinh vật", giáo sư House cho biết.
Các nhà khoa học cũng nghiên cứu quá trình phân hủy kỵ khí trong lúc tiến hành thử nghiệm. "Phân hủy kỵ khí là quá trình thường được sử dụng để xử lý chất thải. Điểm mới trong nghiên cứu của chúng tôi là tách các dưỡng chất ra và chủ động đưa chúng vào một lò phản ứng vi sinh vật để trồng thực phẩm", ông giải thích.
Phương pháp này vẫn chưa sẵn sàng để áp dụng ngay trên các tàu vũ trụ, nhưng có thể dùng để tạo ra thức ăn cho phi hành gia trong tương lai.
"Thử tưởng tượng ai đó có thể thay đổi cơ chế một chút để lấy lại 85% carbon và nitơ từ chất thải rồi chuyển thành protein mà không cần sử dụng thủy canh hay ánh sáng nhân tạo. Đó sẽ là một bước phát triển tuyệt vời cho việc du hành không gian xa. Phương pháp mới sẽ nhanh hơn trồng cà chua hay khoai tây", giáo sư House nhận định.
Hiện các nhà khoa học đã có thể chiết xuất nước từ chất thải của phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Trong khi đó, phần chất rắn được xả ra ngoài không gian.
Thu Thảo