Họ Bạo long (Tyrannosauridae) đã lang thang trên Trái Đất từ cách đây 81 đến 66 triệu năm trong kỷ Phấn Trắng muộn. Dù là một trong những loài khủng long được nghiên cứu nhiều nhất, các nhà cổ sinh vật học đến nay mới biết rất ít về giai đoạn phát triển đầu tiên của chúng, bao gồm trứng và con non, do thiếu dữ liệu hóa thạch. Hầu hết các mẫu vật bạo long được khai quật trước đây đều thuộc về những con đã trưởng thành.
Vào tháng 10 năm ngoái, các nhà nghiên cứu từ Đại học Edinburgh của Scotland, do Gregory Funston dẫn đầu, đã báo cáo một phát hiện đột phá về việc tìm thấy mẫu vật Tyrannosauridae đầu tiên vẫn còn ở giai đoạn phôi tại Bắc Mỹ. Hóa thạch bao gồm một mảnh xương hàm và 8 chiếc răng được cho là thuộc về một loài trong phân họ Albertosaurinae, họ hàng gần với khủng long bạo chúa T-rex khét tiếng.
Funston cùng các cộng sự đã tạo ra các bản quét 3D để phân tích hóa thạch phôi và sau nhiều tháng nghiên cứu, họ đã đưa ra những dự đoán mới nhất về kích thước và hình dạng của bạo long con khi chúng vừa nở ra khỏi trứng.
Trong báo cáo trên tạp chí Khoa học Trái Đất của Canada hôm 25/1, các nhà khoa học ước tính trứng của Tyrannosauridae dài khoảng 43 cm và khủng long con có kích thước tương đương một chú chó Border Collie, dài khoảng 1 m, khi chúng chập chững bước những bước đầu tiên.
"Hóa thạch phôi là cánh cửa sổ đầu tiên hé lộ cuộc sống ban đầu của khủng long Tyrannosauridae. Bây giờ, chúng ta có thể biết được rằng chúng là một trong những con non lớn nhất từng nở ra khỏi trứng và trông rất giống con trưởng thành", Funston chia sẻ.
Phát hiện mới sẽ hỗ trợ các nỗ lực tìm kiếm hóa thạch trứng và khủng long con trong tương lai, đồng thời giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về thói quan làm tổ của bạo long.
Đoàn Dương (Theo CNET/SciTech Daily)