Khủng long mào ống hay thằn lằn mào gần (Parasaurolophus) là một chi khủng long chân chim ăn thực vật sống vào thời kỳ cuối kỷ Phấn Trắng, cách đây khoảng 76 đến 73 triệu năm, tại khu vực là Bắc Mỹ ngày nay. Đúng như tên gọi, chúng là một trong những sinh vật sở hữu chiếc mào kỳ dị nhất từng được biết đến.
"Hãy tưởng tượng sống mũi của bạn kéo dài gần một mét ra phía sau đầu, sau đó quay ngược lại và gắn đỉnh đầu, tạo thành một chiếc mào cong phía trên mắt", nhà cổ sinh vật học Terry Gates từ Đại học Bang North Carolina của Mỹ, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, mô tả. "Parasaurolophus phải thở qua một đường ống dài tới 2,4 m trước khi oxy tới được đầu của nó".
Trong một báo cáo mới trên tạp chí PeerJ hôm 25/1, Gates cùng các cộng sự cho biết đã lần đầu tiên tìm thấy hóa thạch hộp sọ của Parasaurolophus sau gần 100 năm. Mẫu vật thuộc về loài Parasaurolophus cyrtocristatus được khai quật tại một sườn dốc sa thạch ở phía tây bắc bang New Mexico.
Cho đến nay, chi Parasaurolophus mới chỉ có ba loài được mô tả là P. walkeri , P. tubicen và P. cyrtocristatus, trong đó P. cyrtocristatus là đại diện nhỏ nhất và có mào cong nhất.
Việc tìm thấy hóa thạch hộp sọ mới của Parasaurolophus, với phần mũi (mào) hình ống được bảo quản tốt, cuối cùng đã giúp các nhà khoa học tháo gỡ bất đồng bấy lâu nay về cấu trúc mào của chi khủng long này.
"Mặc dù có hình thái khác biệt, những chi tiết của hóa thạch cho thấy mào của Parasaurolophus được tạo nên giống như mào của các loài khủng long mỏ vịt khác. Mẫu vật này là một ví dụ tuyệt vời về những sinh vật kỳ thú tiến hóa từ một tổ tiên duy nhất", trưởng nhóm phát hiện hóa thạch Joe Sertich từ Bảo tàng Tự nhiên và Khoa học Denver cho hay.
Các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ vì sao khủng long mào ống lại cần đến chiếc mũi khổng lồ như vậy. Một số ý kiến cho rằng nó có công dụng siêu đánh hơi, nhưng theo một số khác, nó hoạt động chủ yếu như một bộ cộng hưởng âm thanh để giao tiếp với đồng loại.
Đoàn Dương (Theo Science Daily)