Trong khi hầu hết động vật hữu nhũ có hai đến ba lỗ riêng biệt để thải phân, bài tiết nước tiểu và sinh sản, các loài lưỡng cư, chim, bò sát và thú đơn huyệt chỉ có một lỗ đa năng duy nhất - được gọi là lỗ huyệt - cho tất cả nhiệm vụ này, và khủng long cũng không phải ngoại lệ.
Trong một nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Current Biology hôm 19/1, các nhà cổ sinh vật học từ Đại học Bristol của Anh, do Tiến sĩ Jakob Vinther dẫn đầu, cho biết đã lần đầu tiên tái tạo được lỗ huyệt ở khủng long dựa trên một mẫu vật hóa thạch hiếm, được khai quật ở Trung Quốc và hiện được bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Senckenberg ở Đức.
Mẫu vật thuộc về một loài khủng long mặt sừng nhỏ trong chi Psittacosaurus, có kích thước chỉ bằng một con chó Labrador. Giống như họ hàng khủng long ba sừng Triceratops, nó sống trong kỷ Phấn Trắng cách đây từ 145 đến 65 triệu năm.
Các phân tích cho thấy lỗ huyệt của khủng long có nhiều điểm tương đồng với cá sấu hơn chim, mặc dù chim được xem là họ hàng gần nhất của chúng.
"Lỗ huyệt của Psittacosaurus có hai chỗ phình, nơi có thể chứa các tuyến mùi hương mà loài bò sát tiền sử này sử dụng để thu hút bạn tình, một đặc điểm giải phẫu cũng được quan sát thấy ở cá sấu ngày nay", Vinther giải thích. "Mặc dù vậy, nó khác ở một số khía cạnh khiến lỗ huyệt của khủng long trở nên độc đáo".
Theo mô tả trong báo cáo, các vùng bên ngoài lỗ huyệt của Psittacosaurus được bao phủ bởi một màu sẫm của melanin. Nhóm nghiên cứu cho biết khu vực sắc tố này có chức năng làm nổi bật cơ quan sinh dục, giống như các đốm màu đỏ tươi ở khỉ đầu chó.
Do không có mô mềm nào (như dương vật) còn sót lại, các nhà nghiên cứu không thể chắc chắn mẫu vật mà họ phân tích là con đực hay cái. Dương vật của khủng long thường được giấu vào bên trong và không lộ nhiều ra ngoài lỗ huyệt. Các mẫu hóa thạch hiện nay hiếm khi lưu giữ được bộ phận này.
Đoàn Dương (Theo UPI/Live Science)