Trong gần hai năm Phú Quang nằm viện trước khi qua đời sáng 8/12, người yêu nhạc không còn thấy ông với dáng lưng hơi gù, đàn hát bên dương cầm. Nhạc sĩ từng nói ông hát không hay nhưng thường thích tự thể hiện tác phẩm của mình, như một cách đối thoại với khán giả. Ông nói đó là một trong "những điều gàn dở rất Hà Nội", việc gì cũng thích tự tay làm.
Từ lâu, người yêu nhạc tin rằng Phú Quang tự khắc họa đời mình qua Em ơi, Hà Nội phố: "Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố. Bỗng thấy mình chẳng nhớ nỗi một con đường". Với khán giả Sài Gòn, hình bóng ông năm nào như còn đó trên đường Đồng Khởi thênh thang - nơi có quán cà phê Catinat của nhạc sĩ, hay hẻm nhỏ Nguyễn Bỉnh Khiêm với giàn hoa giấy đầy nắng - nơi ông sống.
Sinh thời, trong những lần cà kê với bạn bè, Phú Quang hay nhắc khoảng thời gian hơn 20 năm sống ở Sài Gòn. Hồi ấy, vì con gái ốm yếu, không phù hợp thời tiết lạnh miền Bắc, ông chuyển vào Nam. Những ngày đầu, nhạc sĩ gặp khó khăn vì thiếu tiền, được bạn bè giúp đỡ, nhanh chóng hòa nhập đời sống âm nhạc sôi động của thành phố, tổ chức liveshow đầu tiên năm 1987.
Một lần giao lưu với khán giả Sài Gòn, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu hỏi ông: "Tôi được biết anh đang là nhạc sĩ ăn khách ở miền Bắc. Tại sao anh lại bỏ Hà Nội để vào Sài Gòn? Anh có thể nói lý do anh chán Hà Nội để vào đây không?". Ông trả lời: "Tại sao lại phải chán Hà Nội? Người nghệ sĩ luôn muốn đi tìm cái mới, mà tôi vào Sài Gòn chính là để tìm những cái mới đó cho mình".
Khi bị bạn vặn: "Thế tại sao vào sống giữa Sài Gòn mà những bài hay nhất của anh vẫn là viết về Hà Nội?", ông đáp: "Hà Nội tôi coi như cha mẹ tôi, còn Sài Gòn tôi coi như người tình. Nếu có vào đây thì cũng là tạm xa cha mẹ để đuổi theo một người tình. Một kẻ không biết yêu cha mẹ mình thì cũng không thể yêu được một người tình. Và các anh chị cũng chẳng bao giờ nên yêu một kẻ như vậy".
Bạn bè hay hỏi lý do ông ở Sài Gòn lâu nhưng không thay đổi giọng nói, thói quen ăn uống. Ông cười xuề xòa, nói không thể bỏ được bản chất của đàn ông Bắc.
Nhạc sĩ giữ thói quen đội mũ fedora dù thời tiết nóng. Trời se lạnh một tí, ông sẽ mặc áo khoác vì thèm hơi của đông Hà Nội. Xa quê hương, ông được nhiều bạn bè, khán giả yêu mến nhưng vẫn cảm thấy thiếu vắng. Vì vậy, gần 10 năm cuối đời, nhạc sĩ chọn sống ở thủ đô.
Phú Quang nói chuyện duyên dáng, cư xử lịch thiệp. Ông thích ngồi cà phê phố cổ mỗi sáng, trò chuyện với bạn bè, tìm cảm hứng sáng tác. Tay cầm điếu xì gà, mắt mơ màng đọc thơ trong quán nhỏ, ông thỉnh thoảng được người hâm mộ đến tâm tình, xin chữ ký. Ở tuổi cổ lai hy, Phú Quang hay đùa rằng ông vẫn có phụ nữ thần tượng, một phần cũng nhờ mác "trai phố cổ". Nhạc sĩ có ba đời vợ, những ngày cuối đời, người vợ thứ ba - Anh Thư - túc trực chăm sóc ông.
Là nghệ sĩ nhưng ông giỏi tính toán, thức thời, thừa hưởng tài kinh doanh từ mẹ, vốn là dân buôn bán ở Kẻ Chợ. Khi còn sống, ông hay đùa: "Vui là chính, kiếm tiền là chủ yếu". Ông đều đặn tổ chức show mỗi năm, nắm được từng khâu dù có trợ lý. Với nghệ thuật, nhạc sĩ cẩn trọng, khắt khe. Ông ghét ai hát sai lời, nhạc của mình, cũng không thích nghệ sĩ nữ mặc hở hang hát nhạc ông. Tính thẳng thắn nên Phú Quang chẳng ngại mếch lòng ai, từng mắng Thanh Lam, Thu Phương vì tự ý sửa nốt, "phiêu" quá đà.
Cuộc đời Phú Quang trải qua nhiều biến động. Là con út trong gia đình đông anh em, quê gốc phố Khâm Thiên, hồi nhỏ, ông theo bố mẹ, các anh chị tản cư ở Phú Thọ. Từ khi mới chào đời, sức khỏe ông không tốt, nhiều lần ốm thập tử nhất sinh. Năm 1954, mẹ ông dốc vốn liếng buôn bán, không may mất trắng vì bão, gia đình được xếp vào thành phần "dân nghèo thành thị".
Sau này, khi trở lại Hà Nội, ông tận mắt chứng kiến con phố bị Mỹ ném bom tàn phá, nhiều người thân thiết qua đời. Trong liveshow năm 2017, ông tâm sự nhớ như in cảnh người thợ cắt tóc, cô bán hàng xén trên phố chết vì bom đạn. Ký ức đau buồn tuổi thơ khiến ông trở nên tĩnh lặng, ít nói, dễ xúc động.
Trong hồi ký Chuyện bình thường và những hồi ức chợt hiện (Nhà Xuất bản Văn hóa dân tộc và Alphabooks ấn hành, 2016), ông kể thời niên thiếu bị bạn bè chơi xấu, dẫn đến không được đi học nước ngoài. "Cuộc đời tôi đã gặp nhiều điều oái oăm. Tôi hiểu ra từ năm 14 tuổi rằng vũ khí tốt nhất để chống trả tất cả bất hạnh là nụ cười. Mình cứ cười như không có chuyện gì. Nếu đã đau khổ mà còn than vãn thì không có tác dụng gì, chỉ làm đau đớn thêm lên", ông nói.
Phú Quang học những nốt nhạc đầu tiên từ anh trai - nhạc sĩ Phú Ân, cũng là người kèm cặp ông thi vào ngành kèn cor, Trường Âm nhạc Việt Nam. Anh ông có thiên phú âm nhạc nhưng không chăm chỉ, cần cù như em. Trường không khuyến khích sinh viên học hai ngành, ông tự mày mò học sáng tác, cách hòa thanh, lén nghe những bài giảng của nhạc sĩ Hồng Đăng. Những tác phẩm đầu tiên của Phú Quang đều là nhạc không lời. "Hồi đó, tôi không thích sự gò bó trong khuôn khổ một bài ca mà kiêu ngạo nghĩ rằng chỉ có nhạc không lời mới cho mình vẫy vùng thỏa sức... Sau này tôi mới nhận ra đó cũng là một sai lầm khi ta còn trẻ", ông viết trong hồi ký.
Sau chuyến công tác miền Nam năm 1975, nhạc sĩ Phú Quang là một trong những người khởi xướng phong trào biểu diễn nhạc nhẹ ở miền Bắc, qua việc thành lập Dàn nhạc Mùa Thu ở Đài Tiếng nói Việt Nam, thu âm nhiều ca khúc như Bài ca xây dựng (Hoàng Vân), Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa (Nguyễn Văn Tý), Những ánh sao đêm (Phan Huỳnh Điểu), Làng tôi (Văn Cao), lăng xê các tên tuổi Lê Dung, Bích Việt, Vũ Dậu, Ngọc Tú, Minh Quang, Ái Vân, Quang Huy, Quang Thọ, Ngọc Tân...
Năm 23 tuổi, sau tai nạn xe máy, bị tổn thương môi, quai hàm, ông mới bỏ hẳn nghề kèn để theo đuổi con đường sáng tác. Có hơn 600 tác phẩm, nhưng những bài hát về Hà Nội làm nên tên tuổi ông. Trong Em ơi, Hà Nội phố, Im lặng đêm Hà Nội, Hà Nội ngày trở về, Lãng đãng chiều đông Hà Nội, Hà Nội và em khi thu chớm đông sang, từng góc phố cổ, hoa sữa, cây bàng, gió mùa đông bắc, tiếng dương cầm, nóc nhà thờ, heo may... làm nên trường hình ảnh về một Hà Nội trầm mặc, lãng mạn, nên thơ.
Mộc mạc, chân thành là những điều Phú Quang luôn tâm niệm khi sáng tác. Ông chỉ viết nhạc khi trái tim thực sự rung cảm, như ông từng viết trong lời mở đầu hồi ký: "'Rồi một ngày nào đó, âm nhạc của tôi cũng có thể bị mọi người lãng quên, nhưng ít nhất với tôi đó là những rung cảm chân thành nhất được viết ra bằng những trăn trở mà tôi luôn muốn dâng hiến cho cuộc đời. Bởi thế, tôi luôn cảm ơn cuộc đời này với tất cả thăng trầm mà đời sống đã mang đến cho tôi... Đến bây giờ thì tôi đã viết như một thói quen. Viết mà chẳng hề có ảo tưởng về một 'sứ mệnh' nào, cũng không có một ảo vọng nào về sự 'vĩnh cửu' hay một tham vọng để lại di sản 'cho đời sau'. Tôi viết vì những hạnh phúc, những khổ đau đầy bức bối cần được xả ra của chính mình"'.
Hà Thu