Fanpage nhạc sĩ Phú Quang sáng 8/12 đăng câu hát trong bài Lời rêu của ông để báo tin buồn: "Ngày mai ta bỏ đi/ Trần gian xin trả lại...".
Nhạc sĩ sinh ra ở Phú Thọ nhưng quê gốc Hà Nội. Ông từng có những năm tháng xa quê, lang thang trên những đường phố khác nhưng tâm thức luôn hướng về nơi này, để trong gia tài hơn 600 bài hát của ông, đa số viết về Hà Nội.
Một sáng đầu đông năm 2015, Phú Quang đội chiếc mũ fedora, mắt lim dim, chậm rãi nhả khói xì gà ở vỉa hè quán cà phê đối diện Nhà hát Lớn. Để chuẩn bị cho show diễn trong nhà hát, ông ngồi đây ăn sáng, uống cà phê cùng êkíp, thưởng lãm Hà Nội - cả không gian, thời gian - chầm chậm ngưng trên đầu ngọn khói.
Phú Quang khi ấy ngoài 60, đã trở về quê được vài năm. Trước đó, ông vào Sài Gòn sinh sống 20 năm, khi 37 tuổi. Chàng thanh niên gốc Hà Nội muốn đi tìm điều mới lạ và có những chuyện buồn bã muốn giã từ, nhưng chỉ sau ba tháng, ông đã khao khát trở về. "Mà cuộc đời có số phận, 25 năm sau tôi mới quay lại", Phú Quang từng kể. Nhưng một nửa đời người - tháng ngày ấu thơ đẹp đẽ tới tình yêu đầu tiên, những vui buồn đầu tiên - đều ở nơi này khiến Phú Quang dù có lưu lạc bao nhiêu năm, vẫn luôn mang Hà Nội trong lòng. Và đường phố đó, xe cộ đó, mùa đông đó, góc quán cà phê đó... sinh ra như vẫn để dành cho những bản nhạc của ông.
Nhạc sĩ từng nói: "Tôi yêu Hà Nội, tình yêu cực đoan đến nỗi khi nhìn chiếc lá, trong phút ngông cuồng tôi đã nghĩ lá ở Hà Nội xanh hơn nơi khác". Một khi đã yêu, lại ở xa nhau, những gì đẹp nhất, thăng hoa đều dành nửa còn lại. Những ca khúc hay, lãng mạn nhất của ông ra đời trong thời gian này. Nếu ghi danh những người tạc lại dáng hình và linh hồn Hà Nội, họa có Bùi Xuân Phái, nhạc chắc chắn có Phú Quang.
Trong hơn 600 ca khúc, một số bài nổi tiếng ông gọi đích danh "người yêu" - Em ơi, Hà Nội phố, Im lặng đêm Hà Nội, Hà Nội ngày trở về, Lãng đãng chiều đông Hà Nội, sau này có thêm Hà Nội và em khi thu chớm đông sang, còn lại đa phần không nhắc tới địa danh nhưng ai nghe cũng biết. Bởi tác giả đưa người nghe vào trường hình ảnh, cảm xúc, giai điệu mang tên Hà Nội.
Phú Quang thu nạp phố cổ, hoa sữa, cây bàng, gió mùa đông bắc, tiếng dương cầm, nóc nhà thờ, heo may... làm nên trường hình ảnh về một Hà Nội trầm mặc, lãng mạn, nên thơ. Ông phần lớn không tự viết lời, chỉ phổ nhạc từ thơ. Nhưng tệp hình ảnh ông thu nhặt được từ thơ ca để đưa vào nhạc khiến người nghe đôi khi tưởng nó chính là những con chữ phát ra từ ông.
Hà Nội của Phú Quang không lấm bụi khói xe hay phố phường bán buôn chật chội mà là một Hà Nội tĩnh lặng, sang cả, không hiện thực mà lãng đãng, mơ hồ. Đó cũng không phải thủ đô hào hùng, hoa lệ mà là một Hà Nội riêng tư, của chàng thanh niên lớn lên biết rung cảm, yêu cái đẹp và các cô gái.
Bằng ký ức, nhạc sĩ dẫn dắt người nghe qua từng con phố, để cảm nhận vẻ đẹp trữ tình. Bước chân chủ thể lững thững từ khi "sương giăng phố vắng, hàng cây lặng im, phố cổ mặc trầm" (Lãng đãng chiều đông Hà Nội) tới khi đêm về, "chỉ còn mùi hoa sữa nồng nàn trong căn phòng nhỏ/ Đêm cuối thu trăng lạnh mờ sương/ Chỉ còn nỗi im lặng phố khuya không gian dạ hương sâu thẳm/ Từng tiếng chim đêm khắc khoải vọng về" (Im lặng đêm Hà Nội). Suốt chuyến lang thang đó, chủ thể trò chuyện trong im lặng với từng góc phố, mái ngói, nhành cây, chiếc lá...
Trong khi mùa thu Hà Nội thành cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ, Phú Quang ấn tượng hơn hết thời khắc cuối thu đầu đông - đặc sản Hà Nội. Nhạc sĩ từng nói đó là quãng thời gian đẹp nhất, ai đã cảm nhận được vẻ đẹp của khoảnh khắc đó không thể nào quên. Tinh thần "Thu rất thật thu là khi chớm đông sang" trong ca khúc cách đây vài năm của ông xuất hiện trong nhiều nhạc phẩm trước đó. Hà Nội của Phú Quang mang hơi se lạnh, chút hiu hắt của mùa: "Dường như ai đi ngang cửa gió mùa đông bắc se lòng/ Chiếc lá thu vàng đã rụng/ Chiều nay cũng bỏ ta đi" (Nỗi nhớ mùa đông), "Một Hà Nội ngây ngất nắng, một Hà Nội run run heo may" (Mơ về nơi xa lắm), "Nóc phố mồ côi mùa đông, mảnh trăng mồ côi mùa đông" (Em ơi Hà Nội phố)...
Trường cảm xúc về Hà Nội trong nhạc Phú Quang là nỗi nhớ nhung, hoài niệm về miền ký ức đẹp đẽ, êm đềm. Bài hát Hà Nội ngày trở về được ông viết trong "ngày nỗi nhớ đã trở thành se sắt". Trong căn nhà ở Sài Gòn, ông bắt gặp những vần thơ của Doãn Thanh Tùng: "Vội vã trở về", "Vội vã ra đi" và "Chạm vai gầy áo mẹ" - cảm thấy nhớ những điều thiết thân, giống mình quá nên lập tức viết nên giai điệu. Kẻ xa quê thèm Hà Nội như thèm hơi ấm người thân, nỗi nhớ như sóng sông Hồng cuộn trong lòng mà bên ngoài bình thản.
Ông cũng từng nói viết là để trả món nợ ra đi, dù chỉ giải thoát một phần, nên trong nhớ nhung có đôi phần tiếc nuối: "Mất rồi/ con đường bụi đỏ/ Mất rồi những chuyến xe qua/.../ Xa xa trong miền ký ức/ Có lẽ một dòng sông/ Xa xa đôi bờ dốc nắng/ Mênh mang một chiều đông" (Trong miền ký ức). Hay "Ta mơ thấy em, ở nơi kia xa lắm/ Một Hà Nội ngây ngất nắng/ Một Hà Nội run run heo may/ Dạ khúc đêm nay/ Một mình ta/ Một mình em" (Mơ về nơi xa lắm).
Hà Nội trong nhạc Phú Quang trước hết là đẹp nhưng vì xuất phát từ nỗi nhớ nên thường buồn. Đó là ký ức về những mối tình đã qua không bao giờ trở lại nhưng khó phai mờ. Các ca khúc hiển nhiên thường có bóng dáng của một em nào đó. Nhưng những em đó là ai, lại không cụ thể. Hỏi Phú Quang sinh thời, ông thủng thẳng đáp: "Tôi có mấy trăm ca khúc, nếu mỗi ca khúc đều viết về một em thì tôi thành xác ve à". Kỳ thực, em đã tan vào Hà Nội, trở thành vùng ký ức tuổi trẻ: "Ta còn em/ Mùi hoàng lan/ Ta còn em/ Mùi hoa sữa" (Em ơi Hà Nội phố).
Hà Nội trong Phú Quang cũng gắn với ký ức của những đổ vỡ, đau thương. Bài Em ơi Hà Nội phố, Phú Quang phổ nhạc năm 1986, đến từ sự đồng cảm với nhà thơ Phan Vũ về một Hà Nội hoang tàn trong chiến tranh. Đặc biệt, con phố Khâm Thiên - nơi nhạc sĩ sống thời thơ ấu, chịu ảnh hưởng nặng nề của trận bom Mỹ mùa đông năm 1972 - ám ảnh ông: "Mùa đông năm ấy/ Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ/ Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân". Trường ca Em ơi, Hà Nội phố của Phan Vũ dài 443 câu thơ, chia làm 24 khổ. Phú Quang chọn 21 câu thơ, kết hợp cảm xúc của mình làm nên một trường khúc đầy day dứt về Hà Nội, về những điều đã mất.
Hình ảnh, cảm xúc cộng hưởng trường giai điệu miên man, da diết, nhẹ nhàng khiến người nghe đắm chìm. Biết bao nữ sinh 8x trong những ngày tháng sinh viên, mùa đông Hà Nội những năm 2000 đã thả lòng mình miên man vô định trong tình khúc Phú Quang mà mơ tưởng, khát khao, ngóng trông, khắc khoải. Giai điệu khiến nỗi buồn như kéo dài vô tận, hạnh phúc cũng rung ngân vô tận. Như khi Hồng Nhung thời hai bím tóc kéo dài một nốt ngân tưởng không có điểm dừng trong Tình khúc 24, hay như Thanh Lam - thuở còn chưa "quá điên" như lời Phú Quang - buông giọng hoang hoải Trong miền ký ức: "Xa lắm rồi/ Xin đừng gặp lại/ Em về bụi đỏ tìm ai".
Anh Sa