Phú Quang qua đời sáng 8/12 để lại gia tài hơn 600 bài hát, trong đó, nhiều tình khúc dành cho Hà Nội và phụ nữ. Nhạc sĩ từng chia sẻ ông chỉ viết nhạc khi trái tim thực sự rung động. Tác phẩm của ông giàu cảm xúc, cơ sở nhạc lý vững chắc. Hồng Nhung, Ngọc Anh 3A, Tấn Minh, Thanh Lam... là những giọng ca gắn bó với ông.
Em ơi, Hà Nội phố
Nhạc sĩ kể cuối năm 1986, khi vào Sài Gòn sống được nửa năm, ông nhớ Hà Nội. Trong buổi trà chiều, Phan Vũ đọc cho ông nghe bài Em ơi, Hà Nội phố - trường ca dài 443 câu thơ, chia làm 24 khổ. Nghe xong, Phú Quang xúc động, nói với nhà thơ chắc chắn có một bài hát hay.
Nhạc sĩ chọn 21 câu thơ trong sáng tác của Phan Vũ, kết hợp cảm xúc của mình làm nên Em ơi, Hà Nội phố. Nhạc sĩ nói: "Vẫn biết một bài ca có đáng là bao để trả món nợ ra đi, nhưng khi được viết ra, tôi đã giải thoát dù chỉ phần nào. Dẫu chỉ là ít ỏi, tôi cũng đã xây dựng được chút gì cho kỷ niệm về Hà Nội, nơi chứng kiến bao buồn vui suốt nửa cuộc đời tôi".
Nỗi nhớ mùa đông
Bài hát ra đời trong một ngày hè nóng nực ở Sài Gòn. Khi đọc bài thơ ngắn Không đề gửi mùa đông của Thảo Phương, ông xúc động và đồng cảm. Dựa theo lời thơ, nhạc sĩ viết: "Dường như ai đi ngang cửa. Gió mùa đông bắc se lòng. Chút lá thu vàng đã rụng. Chiều nay cũng bỏ ta đi".
Trong buổi họp báo liveshow năm 2018, Phú Quang cho biết từng trách Thu Phương quá phiêu khi hát, không thể hiện đúng tinh thần nhạc phẩm. Ban đầu ca sĩ tự ái, sau mới hiểu. Ông nói trên VnExpress: "Các nhạc sĩ khác thích ca sĩ phiêu, thể hiện cá tính, tôi coi đó là điều cấm kỵ. Tác giả là người hiểu rõ nhất đứa con tinh thần của mình".
Hà Nội ngày trở về
Bài hát ra đời khi nhạc sĩ sống tại TP HCM và nỗi nhớ Hà Nội trở thành se sắt. Ông nghĩ về những năm tháng đã qua, những kỷ niệm in hằn trong trí nhớ. Ông mượn vài câu thơ của Thanh Tùng để viết: "Vội vã trở về", "Vội vã ra đi". Nghệ sĩ Nhân dân Lê Dung là người đầu tiên hát bài này.
Bài hát có câu "Chẳng thể nào qua hết từng con phố", ca sĩ Ngọc Tân nhiều lần hát thành "Chẳng thể nào qua hết một con phố" khiến Phú Quang không hài lòng. Sinh thời, ông ghét bị hát sai nhạc, sai lời.
Biển, nỗi nhớ và em
Biển, nỗi nhớ và em được nhạc sĩ phổ lại từ bài Thơ viết ở biển của Hữu Thỉnh. Trong một chiều hoàng hôn trên biển Vũng Tàu, ông chợt nhớ đến tác phẩm, rồi viết thành lời hát. Ông nói trên VnExpress: "Tôi chỉ sửa một câu của anh Thỉnh: 'Gió không phải là roi mà quất núi phải mòn' thành 'Gió âm thầm không nói, mà sao núi phải mòn'. Bởi trong đầu mình lúc đó chập chờn hình bóng một người phụ nữ". Nhạc phẩm nổi tiếng qua giọng hát của Mỹ Linh, Trần Thu Hà, Ngọc Anh, Thu Phương...
Tình khúc 24
Phú Quang kể ông thích một cô bạn học dương cầm từ năm 17 tới 24 tuổi. Tuy nhiên, tình cảm cả hai dừng ở mức bạn bè. Sau này cô gái sang Pháp, họ vẫn giữ mối quan hệ đó. Năm 1986, nhạc sĩ Phú Quang - khi đó ngoài 30 tuổi - bắt gặp bài Tình khúc 24 của nhà thơ Dương Tường. Nhớ lại chuyện xưa, trùng nhịp cảm xúc, ông liền phổ nhạc. Ông nói mình "viết chơi ôn lại kỷ niệm" về một câu chuyện đẹp thời đôi mươi. Hồng Nhung là ca sĩ đầu tiên thu âm nhạc phẩm.
Ngọn nến
Ngọn nến được sáng tác sau khi nhạc sĩ biết tin mình bị ung thư năm 2000. Trong đêm tối, ông ngồi một mình uống rượu, bên cạnh là ngọn nến cháy le lói. Ông kể: "Tôi chợt nhận ra một điều, cuộc đời con người có gì đó giống như ngọn nến đang cháy. Mỗi giọt nến rớt xuống chậm rãi cũng là một khoảng đời đã qua. Và trước khi giọt nến cuối cùng rơi xuống, ngọn nến sáng lòa rực rỡ một lần cuối".
Điều giản dị
Điều giản dị thuộc số ít tác phẩm Phú Quang tự viết lời. Khi đó, ông được đặt hàng sáng tác cho một bộ phim nhưng không tìm được cảm hứng. Bất chợt, ông nhìn thấy hình ảnh Lê Khanh đi qua rừng bạch đàn ở Vĩnh Phúc trên tivi. Khoảnh khắc những giọt nắng xuyên qua tán bạch đàn nhảy nhót trên người cô, ông nghĩ ra câu: "Dịu dàng hạt nắng đùa nhẹ trên áo". Khi thấy khuôn mặt thánh thiện của nữ nghệ sĩ ngước lên nhìn bầu trời, ông viết tiếp: "Đôi môi em gọi bao khát khao, mắt em vời vợi, đăm đắm trời cao". Nhạc phẩm được yêu mến qua giọng hát của Tấn Minh, Ngọc Anh.
Thương lắm tóc dài ơi
Thương lắm tóc dài ơi do nhạc sĩ tự viết lời, khi chứng kiến vợ cũ rơi nước mắt về chuyện học bổng du học Nga của con. Tác phẩm khắc họa hình ảnh người phụ nữ vất vả, hy sinh vì con với ca từ: "Mưa vẫn giăng đầy trên triền sông chiều đông giá rét/ Em vẫn âm thầm đi về đâu để ta thương lắm/ Yếm rách còn ngăn được gió, tình em dang dở, yếm nào che"... Ông nói: "Tôi viết không nhiều nhưng cũng đủ để làm ấm lòng cô ấy mỗi khi giai điệu cất lên". Phú Quang trải qua ba cuộc hôn nhân, nhạc phẩm này viết về người vợ đầu tiên.
Mẹ
Ông viết ca khúc khi đặt chân về Hà Nội, không còn nhìn thấy bóng dáng mẹ bởi bà đã qua đời. Nhạc sĩ dựa theo ý thơ của Hồng Thanh Quang: "Mẹ là người đầu tiên/ Người đàn bà mãi mãi/ Không bao giờ phản bội". Ông nói: "Trong sự trống vắng tận cùng, tôi càng hiểu được tình cảm không gì thay thế của mẹ trong cuộc đời mình". Nhiều lần trình diễn bài hát trên sân khấu, ông nghẹn ngào, bật khóc.
Đâu phải bởi mùa thu
Ca khúc được nhạc sĩ sáng tác năm 1976 dựa trên những ý thơ trong bài Yên tĩnh của Giáng Vân. Ông gửi gắm thông điệp "Tình yêu có lý lẽ riêng của nó. Có thể lỗi ở cả hai người, cũng có thể không bởi tại ai mà chỉ do hoàn cảnh, số phận xô đẩy". 10 năm sau ngày ra đời, nhạc phẩm được giới thiệu đến công chúng qua giọng hát của Mỹ Linh.
Khúc mùa thu
Khúc mùa thu được ông phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của Hồng Thanh Quang viết tặng vợ - nghệ sĩ Lê Dung. Ông giữ trọn lời thơ và đưa vào đó nét nhạc buồn, da diết. Phú Quang cho biết bài hát là món quà dành tặng tình yêu của Thanh Quang và Lê Dung. Tuy nhiên, ông có linh cảm cả hai sẽ chia tay bởi "tình yêu của họ đẹp đến mức không có thật". Vì thế, những giai điệu "Tôi đã đến cùng em và tôi biết. Em cũng là như mọi người thôi. Nhưng chưa hết cuộc yêu tôi đã hiểu. Em ám ảnh tôi trọn một kiếp người" nghe day dứt.
Ông nói: "Khi viết tôi 'đo ni đóng giày' cho giọng hát Lê Dung nên cô ấy cất giọng luôn cảm động và lộng lẫy. Sau này có nhiều ca sĩ hát lại nhưng không ai được như cô ấy". Khúc mùa thu là nhạc phẩm được khán giả yêu cầu hát lại nhiều nhất trong các đêm nhạc của ông.
Về lại phố xưa
Ca khúc là sự đồng cảm của Phú Quang với những người Việt xa quê. Phần lời thể hiện nỗi lòng của nhạc sĩ mỗi lần trở về Hà Nội với ca từ: "Rồi cũng về lại phố xưa, về trong mùa thu bồi hồi làn mưa lối vắng. Rồi cũng về lại phố quen, về trong tình em dịu dàng, dịu dàng... Về đây bên nhau cùng bao buồn vui, sau những tháng năm ở chốn quê người...".
Mơ về nơi xa lắm
Bài hát được Phú Quang phổ nhạc từ thơ Thái Thăng Long. Ông nói trên VnExpress: "Tình yêu trong ca khúc của tôi là sự cảm nhận nói chung. Để có một 'em' trong bài hát thì cần rất nhiều cảm xúc cộng lại". Ca khúc được công chúng yêu mến qua giọng hát của ca sĩ Thanh Lam, Ngọc Anh.
Hiểu Nhân