Trả lời:
Thắt ống dẫn trứng được tiến hành với mục đích triệt sản, ngăn cho trứng di chuyển từ buồng trứng đến tử cung hoặc ngăn cho tinh trùng di chuyển lên ống trứng để thụ tinh. Đây là biện pháp tránh thai vĩnh viễn và gần như không thể đảo ngược. Sau khi thắt hai bên vòi, bệnh nhân muốn mang thai phải cần tới các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Bạn có thể tiến hành thủ thuật thắt vòi tử cung vào khoảng ngày 5 đến ngày 10 của vòng kinh. Nên tránh giai đoạn từ ngày 14 đến ngày 28 (đối với chu kỳ kinh 28 ngày). Thủ thuật này có thể thực hiện kết hợp khi mổ lấy thai, hoặc có thể tiến hành trong giai đoạn hậu sản từ 24-36 giờ sau khi sinh thường. Đây là thời điểm đáy tử cung vẫn ở cao ngang rốn, giúp việc tìm kiếm ống dẫn trứng dễ dàng hơn.
Ngoài ra, đây là ca phẫu thuật xâm lấn (có sử dụng dao kéo) nên người bệnh được gây mê hoặc gây tê tủy sống. Sau khi thắt, bạn có thể bị tổn thương ruột, bàng quang và các mạch máu xung quanh; viêm nhiễm, chảy máu hoặc biến chứng do xuất huyết. Tình trạng chảy máu âm đạo nhẹ có thể xảy ra nhưng không nên quá lo lắng, chỉ cần sử dụng tampon hoặc băng vệ sinh hàng ngày. Một số trường hợp (hiếm gặp) vẫn có thể có thai sau thắt vòi tử cung.
Thắt ống dẫn trứng không ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt, không gây suy buồng trứng hay mãn kinh sớm (nếu thủ thuật và hậu phẫu diễn ra an toàn), không ảnh hưởng tới đời sống tình dục. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ có khả năng tránh thai, không có khả năng dự phòng các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục.
Tùy vào cơ địa, mỗi người có thời gian hồi phục khác nhau. Trung bình sau khoảng 5 ngày, phụ nữ có thể trở lại làm việc bình thường. Tránh mang vác thêm các vật nặng trong khoảng một tuần. Sau khi thắt ống dẫn trứng nên theo dõi kỹ sức khỏe. Nếu các cơn đau và tình trạng chảy máu diễn ra nặng, cần đến bệnh viện khám và xử lý.
Bác sĩ Nguyễn Bình Dương
Trung tâm Hỗ trợ sinh sản IVF Hồng Ngọc