Thông thường vaccine cúm chỉ có hiệu quả trong 6-12 tháng, nếu tiêm trước khi mang thai thì có duy trì được miễn dịch bảo vệ trong thai kỳ không? (Hồng Nhung, Đồng Nai).
Trả lời:
Chào bạn,
Thai kỳ là thời điểm nhạy cảm vì hệ miễn dịch của mẹ bầu thấp hơn bình thường, khiến nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm cao hơn, trong đó có cúm mùa. Bất cứ dấu hiệu bất thường nào của người mẹ đều có thể gây dị tật thai nhi, đặc biệt là trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ. Tiêm vaccine cúm là giải pháp an toàn và hiệu quả vừa phòng cúm cho mẹ bầu và thai nhi, giảm nguy cơ diễn tiến nặng các bệnh đang mắc, tránh đồng nhiễm virus, vi khuẩn khác; vừa tạo miễn dịch thụ động bảo vệ trẻ sơ sinh trong 6 tháng đầu đời khi trẻ chưa đến tuổi tiêm vaccine cúm.
Nếu bạn có kế hoạch mang thai vào năm 2023 thì đây là thời điểm thích hợp nhất để tiêm phòng cúm, bởi vì sau khi tiêm vaccine, cơ thể cần khoảng 2 tuần để sản sinh kháng thể chống lại virus cúm và hiệu quả của vaccine kéo dài trong một năm, đủ thời gian để tạo miễn dịch bảo vệ em bé trong suốt 9 tháng thai kỳ và sau sinh.
Trong trường hợp đã mang thai nhưng vẫn chưa được tiêm phòng cúm, chị em vẫn có thể tiêm vacine cúm trong thai kỳ, tốt nhất từ 3 tháng giữa thai kỳ để có kháng thể phòng bệnh cho cả mẹ và bé. Hiện tại các loại vaccine cúm tiêm cho phụ nữ mang thai đều là vaccine bất hoạt (chứa các mầm bệnh "đã chết") nên không có khả năng khởi phát bệnh cũng như không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.
Cúm mùa là một trong 4 dịch bệnh đang lưu hành tại Việt Nam, có tốc độ lây lan nhanh và có thể xảy ra quanh năm, nổi bật với hai đỉnh dịch lớn hàng năm, thường kéo dài từ tháng 10 năm nay cho đến tháng 4-5 năm sau, có xu hướng phức tạp vào cuối năm.
Vaccine cúm cần được tiêm nhắc lại mỗi năm một lần để tạo kháng thể bảo vệ tốt nhất và để đáp ứng kháng thể phù hợp với chủng cúm mới lưu hành hằng năm. Hiện nay, Hệ thống tiêm chủng VNVC với gần 100 trung tâm trên toàn quốc đang có đầy đủ các loại vaccine phòng cúm với nhiều ưu đãi giá, đặc biệt là vaccine cúm Tứ giá thế hệ mới phòng cúm 4 chủng A/H3N2, A/H1N1, B/Yamagata và B/Victoria.
Bên cạnh tiêm vaccine cúm, để phòng nguy cơ nhiễm cúm, phụ nữ trước và đang mang thai nên đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi và ho, thường xuyên rửa tay đúng cách, vệ sinh mũi và họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý. Nên đeo khẩu trang khi ra đường, hạn chế tiếp xúc với người mắc cúm hoặc người mắc các bệnh lý hô hấp khác, giữ không gian sống sạch sẽ, có chế độ ăn uống và tập luyện sức khỏe phù hợp với thể trạng.
ThS.BS Ngô Thị Kim Phượng
Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC