Trả lời:
Khi mang thai, hệ miễn dịch của người mẹ suy giảm là yếu tố nguy cơ khiến cơ thể khó chống đỡ các loại virus, vi khuẩn, đặc biệt là các tác nhân gây bệnh đường hô hấp. Trong quá trình mang thai, tử cung của người mẹ phát triển to hơn, đẩy cơ hoành lên cao khiến dung tích phổi giảm xuống, làm cản trở hô hấp, trong khi nhu cầu oxy của phụ nữ mang thai lớn hơn bình thường rất nhiều để nuôi em bé. Thai nghén có tình trạng giữ nước trong cơ thể nên có hiện tượng phù, đặc biệt là phù niêm mạc, dẫn đến tổn thương đường hô hấp trên.
Chính vì vậy, phụ nữ mang thai dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh hô hấp như cúm mùa, viêm phổi, ho gà, bạch hầu,... rất dễ diễn biến xấu. Chưa kể nếu có bệnh nền như béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường thai kỳ, bệnh mãn tính ở phổi..., thai phụ có khả năng phải can thiệp thở máy, ECMO, thậm chí nguy cơ biến chứng thai kỳ và tử vong cao cho cả mẹ lẫn con.

Khi có kế hoạch mang thai, phụ nữ cần chủ động tiêm đầy đủ các loại vaccine càng sớm càng tốt. Ảnh: VNVC
Khi có kế hoạch làm mẹ, ngoài kiến thức chăm sóc sức khỏe thai sản, chế độ dinh dưỡng cho mẹ và bé, cách an thai, phụ nữ trước và đang mang thai cần nắm kỹ thông tin về vaccine để bảo vệ chính bản thân, ngăn ngừa các biến chứng thai kỳ và giúp con sau khi chào đời có được miễn dịch thụ động từ mẹ.
Trước mang thai, phụ nữ cần chủ động tăng cường hệ miễn dịch càng sớm càng tốt bằng việc chủng ngừa đầy đủ các loại vaccine phòng cúm, sởi - quai bị - rubella, ho gà - bạch hầu - uốn ván, uốn ván, phế cầu khuẩn, viêm màng não mô cầu ACYW... và không yêu cầu cần xét nghiệm trước tiêm để kiểm tra cơ thể đã có miễn dịch hay chưa.
Riêng với vaccine viêm gan B, viêm gan AB, tất cả mọi người cần làm các xét nghiệm HBsAg và anti-HBs (HBsAb) để biết bản thân bị nhiễm virus viêm gan B hay cơ thể đã có kháng thể kháng virus viêm gan B hay chưa. Nếu kết quả là HBsAg âm tính thì cần phải tiêm phòng vaccine viêm gan B càng sớm càng tốt.
Các vaccine cho phụ nữ mang thai thường được chỉ định vào 3 tháng giữa thai kỳ (tháng 4, 5, 6). Trong thời gian mang thai, mẹ bầu cần chủ động tiêm phòng các vaccine như uốn ván, cúm (bất hoạt), ho gà - bạch hầu - uốn ván, viêm gan B (ở người chưa tiêm vaccine, tiêm chưa đủ phác đồ, đang mang virus viêm gan C hoặc các bệnh gan mãn tính khác).
Hệ thống tiêm chủng VNVC với gần 100 trung tâm trên cả nước đảm bảo cung ứng đầy đủ các loại vaccine trẻ em và người lớn, đặc biệt các vaccine quan trọng cho phụ nữ trước và đang mang thai. Bạn có thể đến trực tiếp các Trung tâm thuộc Hệ thống tiêm chủng VNVC để được tư vấn lịch tiêm vaccine cụ thể.
BS.CKI Nguyễn Lê Nga
Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC