Thường thường, kỳ thi vào cấp 3 là kỳ thi được tổ chức vô cùng nghiêm túc (giống như việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học Quốc gia) ở tất cả các địa phương trên cả nước nên kết quả của kỳ thi này phản ánh khá trung thực khả năng của học sinh.
Qua đó cũng cho thấy được trình độ của học sinh ở địa phương đó, thấy được phần nào kết quả của việc hướng cho con em mình học tập của gia đình.
Với riêng những đề thi môn Toán vào lớp 10 trong những năm vừa qua ở các địa phương thì ngay cả những đề thi mang tính vận dụng cao như ở TP HCM thi đề thi vẫn thường gồm những bài toán cơ bản: bài toán rút gọn, bài toán phương trình bậc 2, bài toán lập phương trình, bài toán tứ giác nội tiếp và một bài toán mang tính phân loại liên quan đến bất đẳng thức, giá trị lớn nhất hoặc nhỏ nhất...
Những bài toán này thì học sinh đã được luyện liên tục trong năm lớp 9. Thực tế hầu hết các trường đều cắt giảm các môn để các em học sinh lớp 9 có nhiều thời gian để ôn luyện môn Toán, Văn, Ngoại ngữ. Những câu trong đề thi môn Toán thậm chí còn dễ hơn nhiều câu mà các em học sinh được luyện trên lớp.
Bởi vậy các em học sinh không cần đi học thêm, chỉ cần học kỹ sách giáo khoa, học kỹ trên lớp thì môn Toán cũng có thể đạt được ít nhất 5 điểm; việc đạt điểm 7, 8, 9 cũng không khó lắm.
Thế mà trong kỳ thi vào lớp 10 công lập ở TP HCM mấy năm qua kết quả luôn có tới gần 50% bài thi Toán dưới điểm 5. Nhiều người phàn nàn về chất lượng giáo dục, bản thân tôi thì có thắc mắc: Đi học thêm mà có gần 50% bài thi Toán dưới điểm 5 thì đi học thêm làm gì?
Tôi nói "không nên đi học thêm" không chỉ với học sinh lớp 9 mà với cả học sinh của tất cả các lớp. Vậy nếu các em học sinh mà không đi học thêm thì làm thế nào để các em vẫn có thể học tốt?
Về vấn đề này thì tôi xin chia sẻ cách tôi dạy con gái mình. Bé nhà tôi đã học xong lớp 2. Ngay từ khi cháu vào lớp 1 đến bây giờ thì gia đình không hề cho cháu đi học thêm ở trường, ở các trung tâm...
Không cho cháu đi học thêm không phải vì sợ tốn tiền mà bởi vì gia đình muốn cho cháu được vừa học, vừa chơi thoải mái, không đánh mất đi tuổi thơ của mình; ngoài ra gia đình muốn rèn cho cháu kỹ năng cực kỳ quan trọng đó là kỹ năng tự học.
Nhiều phụ huynh than trời vì con em mình phải đi học thêm quá nhiều, tuy nhiên phụ huynh cũng có một phần lỗi ở đây. Một trường ở Hà Nội vừa rồi tuyển sinh vào lớp 1 không phải là bài kiểm tra đọc, viết mà bằng cách xem các cháu có biết tự phục vụ như tự biết ăn uống, tự biết vệ sinh hay không.
Phụ huynh cần phải cương quyết không cho con đi học thêm. Khi cháu vào lớp 1 thì cô giáo của cháu thường gọi điện, nhắn tin là cháu học kém, không theo kịp..., gia đình cần cho con đi học thêm. Tuy nhiên gia đình vẫn cương quyết không cho cháu đi học thêm.
Do tôi có chút chuyên môn sư phạm, tôi hiểu rằng: Trong giáo dục hiện đại thì việc thúc đẩy tính tích cực trong học tập của học sinh luôn là việc mà ngành giáo dục chú trọng. Ngành giáo dục luôn mong muốn có những tiết học mà người giáo viên chỉ đóng vai trò điều hành, giữ nhịp; các em học sinh là người chủ động tìm tòi, phát hiện... để hiểu sâu bài học.
Hiểu được điều này nên gia đình cương quyết không cho con mình đi học thêm mà từng bước dạy bảo con mình. Những cách đơn giản mà hiệu quả mà gia đình áp dụng để dạy con mình là:
- Hạn chế chê trách, khen ngợi động viên kịp thời. Việc khen ngợi, động viên đối với con mình cũng là một điều quan trọng. Khi cháu biết chữ thì thường mỗi lần nhìn thấy chỗ nào có chữ chẳng hạn khi gặp biển quảng cáo thì cháu lại đọc rồi ồ lên vui vẻ.
Và cũng như mọi khi tôi lại nói với con mình: Tại vì con đi học nên con mới biết chữ để đọc được biển quảng cáo, đọc được truyện, trước kia con không biết chữ, không biết cộng, không biết trừ nhưng giờ đây con đã biết; con chưa biết tiếng Anh nhưng dần dần con học là con sẽ biết như vậy.
Trong quá trình dạy bảo con mình, tôi luôn hướng cho con yêu thích việc học hành của mình bởi tôi hiểu rằng: Khi người ta yêu thích thì người ta sẽ tự tìm hiểu. Nếu cháu tự yêu thích thì tốt rồi tuy nhiên đôi khi cần kỷ luật để cho cháu yêu thích, Ví dụ như tôi thường xuyên kể truyện cho cháu nghe, rồi dần dần yêu cầu cháu đọc một quyển truyện trong một thời gian nhất định.
Từ những việc như vậy mà cháu yêu thích việc đọc sách lúc nào không hay. Việc yêu thích đọc sách này là vô cùng quan trọng bởi vì điều này sẽ giúp cho cháu có khả năng tự học rất tốt.
- Học kỹ sách giáo khoa: Tôi xin nói thêm về vấn đề quan trọng này. Thực tế những thày cô có chuyên môn tốt thì một trong những bí quyết quan trọng là các thày cô này đều nắm rất chắc sách giáo khoa, cả phần lý thuyết và bài tập. Bởi vậy việc yêu cầu học sinh học kỹ sách giáo khoa là một việc vô cùng quan trọng của giáo viên và phụ huynh học sinh.
- Học kỹ bài cũ, học qua bài mới: Ngoài việc học kỹ bài cũ là cần thiết đối với mỗi học sinh thì học sinh cũng nên dành thời gian để học qua bài mới, bởi điều này sẽ giúp học sinh khi đến lớp có thể sẽ hiểu sâu bài học hơn.
- Mua khóa học trực tuyến phù hợp: Hiện nay có rất nhiều khóa học trực tuyến hữu ích, phụ huynh có thể mua những khóa học phù hợp cho con em mình. Những khóa học hữu ích này sẽ giúp con em mình tự học được mà không phải đi học thêm. Hiện giờ bé nhà tôi đã nghỉ hè được một thời gian.
Trong thời gian này gia đình cho cháu vui chơi thoải mái nhưng đồng thời cũng cho cháu ôn lại kiến thức. Cụ thể gia đình cho cháu ôn lại 2 quyển tiếng Anh lớp 1 và lớp 2. Đồng thời cho cháu rèn luyện tư duy: trong thời gian này mỗi ngày cháu phải hoàn thiện ít nhất 5 bài toán trong sách toán nâng cao lớp 2.
Khi cháu hoàn thành khoảng 300 bài toán trong cuốn sách này trong thời gian nghỉ hè thì cháu có thể hệ thống kiến thức một cách khá tốt, đồng thời việc giải toán nâng cao này cũng sẽ giúp cháu rèn luyện tư duy khá tốt.
Với cách giáo dục như vậy nên bé nhà tôi kết thúc năm lớp 2 với kết quả khá tốt dù không phải đi học những lớp kiểu như tiền lớp 1 hay chưa hề phải đến học thêm ở trung tâm hoặc ở nhà thày cô giáo một buổi nào.
Anh Phạm
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.