Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM sáng 20/6 công bố điểm thi vào lớp 10 công lập. Môn Toán có 121 bài thi được điểm tuyệt đối và 165 bài thi điểm liệt, đều giảm đáng kể so với năm ngoái.
Tỷ lệ bài thi dưới điểm trung bình là 46%, khiến Toán là môn có kết quả thấp nhất trong ba môn thi cơ bản vào lớp 10 của thành phố. Ở môn Văn và Tiếng Anh, tỷ lệ bài này lần lượt là 11,8% và 32,3%.
Trong 5 năm liên tiếp kể từ 2018 (năm 2021 không tổ chức thi), tỷ lệ bài thi dưới điểm 5 ở môn Toán dao động 45-52%, khiến nhiều người đặt câu hỏi đề Toán của TP HCM quá khó hay học sinh yếu môn học này.
Bảo Chi, trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, là một trong những thí sinh đạt điểm dưới trung bình ở môn này - 4 điểm. So với đáp án Sở công bố, em bị trừ điểm nhiều ở phần lập luận, trình bày. Chi cho biết được thầy cô hướng dẫn làm quen với bài toán thực tế trong đề thi từ lớp 8 nhưng đến năm lớp 9 mới được luyện tập nhiều hơn. Nữ sinh thường gặp khó khi phân tích đề và lập luận giải.
Thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên môn Toán trường THPT Nguyễn Du, quận 10, nhận xét tỷ lệ bài thi dưới điểm trung bình môn Toán xấp xỉ các năm trước và khá ổn định từ khi TP HCM đổi mới ra đề theo hướng đánh giá năng lực, vận dụng kiến thức của học sinh. Cách ra đề này khác với kiểm tra trên lớp hay kiểm tra học kỳ và cũng khác với những dạng bài tập trong sách giáo khoa hiện hành.
Thầy Chính lấy ví dụ một bài toán bình thường theo sách giáo khoa sẽ đưa ra những ẩn số theo dạng x, y, z và yêu cầu thí sinh giải phương trình. Còn ở bài toán thực tế, các ẩn số được đưa ra theo tình huống với những thông tin về giá bán, các mức chiết khấu khác nhau khi mua từ 20-50 cành và yêu cầu tính tổng số tiền khi mua 100 cành.
Việc giải phương trình không khó nhưng để giải được bài toán thực tế, học sinh phải biết đọc, phân tích đề, "chuyển đổi ngôn ngữ" dữ liệu thực tế sang các ẩn số và phép tính.
"Đây là khâu khó và khiến nhiều thí sinh lúng túng nhất", thầy Chính nhận định.
Thực tế, trong quá trình chấm thi, thầy Đặng Hữu Trí, giáo viên môn Toán trường THCS Nguyễn Du, quận 1, gặp không ít bài không làm được gì hoặc mất nhiều điểm ở cách trình bày. Thầy giáo này chung nhận định các bài toán thực tế trong đề thi không đòi hỏi kiến thức cao siêu, nhưng để làm tốt thí sinh cần có kỹ năng đọc, phân tích và tư duy tốt.
Tuy nhiên, ở trường thầy cô phải dạy chương trình sách giáo khoa, hoàn thành đúng các yêu cầu theo phân phối thời gian, khó mở rộng theo hướng câu hỏi của đề thi.
Hai giáo viên cho rằng dạng toán thực tế là phần mở rộng ngoài chương trình sách giáo khoa nên tùy thuộc vào chiến lược giảng dạy, ôn tập của giáo viên mà học sinh được làm quen nhiều hay ít.
Thầy Trí nói ở trường THCS Nguyễn Du, từ lớp 6, 7, học sinh đã được làm quen dần với toán thực tế để biết cách đọc, phân tích đề. Các bài toán dạng này xuất hiện trong đề kiểm tra cuối kỳ từ lớp 8 và nhiều hơn ở năm lớp 9. Đây là một phần khiến năm ngoái, hơn 76% học sinh của trường đạt điểm giỏi môn Toán trong kỳ thi vào lớp 10.
Nhưng cũng có trường, theo thầy Chính, phải sang học kỳ II của lớp 9, giáo viên mới dành thời gian để ôn tập phần mở rộng. Do đó, nhiều học sinh không kịp thích ứng, đi thi bị điểm thấp.
"Tôi nghĩ đề thi cần sát chương trình hơn, giảm số lượng bài toán thực tế", thầy Chính ý kiến.
Giải thích việc tỷ lệ bài thi môn Toán có điểm dưới trung bình luôn nằm trong khoảng 45-52%, một chuyên viên của Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, đồng tình rằng lý do chính là đề thi Toán lớp 10 có sự khác biệt so với chương trình sách giáo khoa.
Đề thi của TP HCM ra theo hướng đánh giá năng lực, vận dụng kiến thức của học sinh - định hướng của chương trình phổ thông mới (chương trình 2018). 5 trong 8 câu trong đề là bài toán thực tế, đòi hỏi thí sinh biết tư duy, suy luận, vận dụng kiến thức đã học để giải quyết vấn đề.
Trong khi đó, với chương trình 2006 mà học sinh đang học, những bài tập trên lớp là để thực hành lý thuyết, công thức có sẵn. Tính chất của những bài kiểm tra trên lớp, kiểm tra cuối học kỳ chỉ nhằm đánh giá trình độ, khả năng tiếp thu kiến thức theo chương trình.
Nắm bắt điều này, các giáo viên đã lồng ghép và ôn tập dạng toán thực tế cho học sinh. Tuy nhiên, vị này cho rằng thời gian ôn tập vẫn chưa đủ để nhiều học sinh thoát khỏi cách giải Toán công thức một cách máy móc. Học sinh có thể được làm quen với một số dạng toán thực tế nhưng nếu gặp dạng khác lại không biết giải. Khi làm bài thi, nhiều em khá, giỏi vẫn nhầm lẫn, trình bày không logic dẫn đến mất điểm.
Ông cho biết mục đích lớn nhất của đề thi vào lớp 10 là để phân loại thí sinh, phục vụ cho tuyển sinh vào các nhóm trường THPT khác nhau. Do đó, phổ điểm môn Toán như những năm qua phục vụ tốt cho việc xét tuyển.
"Nếu đề chỉ cho những bài toán theo khuôn mẫu quen thuộc như sách giáo khoa thì tỷ lệ điểm khá, giỏi sẽ cao nhưng trong một kỳ thi tuyển sinh điều đó không có nhiều ý nghĩa", vị này nói.
Năm nay, trong số gần 96.000 thí sinh dự thi, khoảng 77.300 em sẽ trúng tuyển vào lớp 10 công lập (80%).
Ngày 4/7, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM sẽ công bố điểm chuẩn vào lớp 10 chuyên, tích hợp và danh sách thí sinh được tuyển thẳng. Điểm chuẩn lớp 10 thường (đại trà) và danh sách thí sinh trúng tuyển được công bố vào ngày 10/7.
Lệ Nguyễn