Hoàng Thiên (TP HCM) mua một chiếc SUV mới, nhân viên bán hàng gợi ý dịch phủ phủ gầm cao su non, giá 10 triệu đồng, được quảng cáo là bảo vệ phần bệ gầm, chống gỉ sét, giảm ồn. Thiên hỏi sau bao lâu gầm sẽ gỉ sét hết, câu trả lời là "tùy xe, tùy vào điều kiện vận hành, nếu tiếp xúc với các chi tiết ăn mòn nhiều, như muối biển, thì sẽ gỉ nhanh". Xác định chỉ sử dụng cho xe mục đích chính là chạy trong thành phố, Thiên từ chối dịch vụ.
Phủ gầm là dịch vụ phổ biến ở thị trường Việt Nam, với các tác dụng như chống rỉ, bảo vệ gầm và chống ồn. Nhưng thực tế, hiệu quả của loại dịch vụ này không phải lúc nào cũng như quảng cáo.
Hiệu quả rõ rệt nhất của phủ gầm là chống gỉ sét. Theo một nghiên cứu từ Hiệp hội ôtô Mỹ (AAA – American Automobile Association) vào năm 2017, người Mỹ trung bình bỏ ra 3 tỷ USD chi phí sửa chữa gỉ sét trên xe.
Ở những vùng có tuyết, muối thường được rải xuống bề mặt đường, nhằm giảm điểm đóng băng của nước, là 0 độ, xuống dưới mức âm, giúp giảm đóng băng, tăng độ an toàn.
Muối có tác dụng tăng độ an toàn cho các phương tiện lưu thông trên đường tuyết, nhưng đổi lại muối là chất ăn mòn mạnh, và sẽ bám vào phần bệ gầm, hệ thống treo của xe khi trong quá trình sử dụng. Mặc dù các chi tiết bằng kim loại của xe hầu hết được xử lý chống gỉ, hoặc sử dụng các vật liệu khó bị oxy hóa như nhôm hoặc nhựa, nhưng nếu chủ xe không thường xuyên vệ sinh tẩy rửa tuyết/muối bám vào gầm, lâu dài các chi tiết bằng kim loại sẽ bị gỉ, và lan rộng ra toàn bộ phần bệ gầm của xe.
Ngoài cách thường xuyên vệ sinh, những tài xế ở những nơi có tuyết thường được các chuyên gia khuyên phủ gầm, để bảo vệ khỏi gỉ sét tốt hơn khi mùa đông đến.
Vì vậy, các chuyên gia khuyên nếu xe không ở vùng băng tuyết, không cần thiết phủ gầm vì công nghệ sơn phủ của ngành công nghiệp xe hiện nay đủ để sử dụng hết vòng đời của xe. Trong những vùng thời tiết đặc biệt nóng ẩm kéo dài, tài xế có thể sử dụng những bình xịt chống gỉ, thường được bán với giá khoảng trên dưới 100.000 đồng, để tự bảo vệ các chi tiết bằng kim loại dưới gầm xe khỏi gỉ sét, thay vì phải bỏ ra hàng triệu đồng để phủ cao su hóa ở các cửa hàng chăm sóc xe.
Ngoài tác dụng chính là chống gỉ, các lợi ích khác của việc phủ gầm là giảm một lượng nhỏ tiếng ồn từ mặt đường nếu sử dụng các loại phủ gầm dày, ngăn các vết xước nhỏ, ví dụ như đá văng, đối với các chi tiết bệ gầm. Về khả năng giảm ồn, thực tế tác dụng của việc phủ gầm lên từng loại xe, kết cấu khung gầm, đời xe là không giống nhau, có xe giảm được một vài db (decibel), có xe không thay đổi. Tức là, việc phủ gầm không phải "thần thánh" giảm ồn như nhiều quảng cáo.
Có nhiều loại phủ gầm cho xe, phổ biến nhất là phủ cao su hóa, khi xịt dung dịch vào bề mặt kim loại, lớp phủ khô và để lại một lớp màng mềm tựa như cao su, ngoài ra còn có phủ gầm bằng sơn polyurethane, có tác dụng tương tự như phủ cao su hóa. Đây là những cách phủ gầm thường được thực hiện bởi các xưởng dịch vụ, vì phải hiệu chỉnh về mặt, xử lý các lớp gỉ sét đã có trước khi tiến hành phủ. Chi phí thường cao.
Với mức chi phí thấp hơn, chủ xe có thể tự mua các dung dịch phủ gầm dạng wax (sáp) hoặc paraffin, vốn để lại lớp màng ẩm trên bề mặt khi xịt. Loại phủ này có công dụng tốt, nhưng thời gian sử dụng không cao do dễ bị trôi.
Một số hạn chế khi phủ gầm bao gồm trọng lượng xe nặng hơn, từ 5-10 kg tùy vào xe, có thể khiến mức tiêu thụ xăng tăng hơn một chút.
Ngoài ra, thợ làm phủ gầm phải biết rõ về hệ thống ống/khe dẫn nước xả của xe nằm ở dưới gầm, ví dụ như ống dẫn nước đọng ở cửa sổ trời, để tránh bịt kín những phần này bằng dung dịch phủ gầm. Nếu không may bịt kín, nước không thoát ra được, tồn đọng, khiến xảy ra tình trạng gỉ sét từ bên trong vì đọng nước.
Chủ xe nên chọn chỗ uy tín để thực hiện nhằm tránh tình trạng các lỗ thoát nước dưới gầm xe vô tình bị phủ kín. Đối với gầm xe đã bị gỉ sẵn, phủ gầm cao su hóa sẽ có tác dụng chống gỉ lan rộng, lúc này gầm xe phải được sơn mới, hiệu chỉnh bề mặt trước khi phủ gầm.
Phạm Hải