Trong khán phòng chật kín của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội chiều 12/10, Catherine Karnow, phóng viên ảnh của National Geographic, tràn đầy sự phấn khích khi chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ của bà khi đến Việt Nam chụp ảnh từ những năm 1990.
"Những người Việt tôi gặp trên phố khác hẳn với người những nơi khác, họ yêu thích nhiếp ảnh. Ánh mắt họ nhìn tôi thể hiện sự thích thú: Ồ, cô ấy là phóng viên ảnh đấy. Và họ không bao giờ từ chối khi đề nghị được chụp", Catherine dùng biểu cảm hài hước khi kể về các nhân vật của mình. Bên cạnh đó, người Việt còn thể hiện sự tự nhiên, cho phép Catherine trở nên "vô hình", điều mà một phóng viên ảnh rất cần.
Trong khi đó, ở những nước khác, khi thấy Catherine cầm máy ảnh trên tay, mọi người tỏ ra dè chừng và né tránh. Vì thế khi đến Việt Nam bà như được tiếp thêm niềm đam mê để thực hiện công việc của mình.
"Họ khiến tôi có tâm trạng tốt và tôi rất trân trọng điều đó", Catherine nói.
Trên một con phố ở Hà Nội, Catherine bị thu hút bởi một loạt hàng cắt tóc trên vỉa hè. Bà dừng lại để quan sát, lựa góc chụp. Thật kỳ lạ, không có ai để tâm đến sự xuất hiện của Catherine, họ vẫn mải mê công việc của mình hoặc ưu tư theo đuổi suy nghĩ riêng. Vì trở nên như vô hình như thế, Catherine đã chụp được bức ảnh khắc hoạ được một nét đặc trưng của con người và khung cảnh Hà Nội.
Trái ngược với sự yên tĩnh của góc phố, không khí bận rộn trong quán phở ở thủ đô khiến Catherine háo hức. Sau khi gọi đồ ăn, Catherine bấm máy liên tục để tìm được bức hình mong muốn. Dù không hiểu hết ý đồ của Catherine, nhưng cả người bán hàng lẫn người giúp việc đều tỏ ra rất "hợp tác", họ cứ làm việc của mình mà không tỏ ra là "bị làm phiền".
Để cảm thấy bớt áy náy vì ngồi lâu, Catherine gọi thêm một số đồ ăn và kiên nhẫn chờ khoảnh khắc đắt giá. Cách cô hít hà hương thơm của tô phở khiến bà chủ quán rất thích thú. Cuối cùng, Catherine cũng bắt được "viên kim cương" cho bức ảnh của mình. Đó là hình ảnh bát phở bốc hơi nghi ngút trên tay người giúp việc, bà chủ quán cúi người xuống, hướng mắt người xem về phía nồi nước dùng vô cùng hấp dẫn. Phía sau, một người giúp việc khác bê rổ rau ăn kèm bước tới, tạo nên một khung cảnh trọn vẹn, miêu tả được hết sự kích thích vị giác của món ngon Việt Nam.
Bức ảnh nổi tiếng "Chân dung thầy dạy nhạc", được Catherine chụp năm 1990. Khi đó người đàn ông ôm cây đàn guitar nhìn ra xa, còn Catherine đứng ở gần, cố gắng không làm người đàn ông bị ngắt quãng cảm xúc. Bà tiết lộ đây là một kỹ năng giúp phóng viên ảnh tránh làm người mình muốn chụp bị phân tán. Khi thầy dạy nhạc thả hồn theo cảm xúc của mình, Catherine giơ máy chụp liên hồi để chớp lấy khoảnh khắc.
"Mọi người ở Việt Nam đều thoải mái trước ống kính, thể hiện cảm xúc và kể câu chuyện của mình. Vì thế, là một phóng viên ảnh, bạn chỉ cần chờ đến thời điểm đó mà thôi", Catherine nói.
Các bức ảnh đẹp ở Việt Nam mà của Catherine có được phần lớn nhờ vào sự nhiệt tình của những người được chụp. Phóng viên ảnh người Mỹ không giấu được sự vui mừng khi kể về cô gái mà bà gặp trên phố. Bà gần như nài nỉ được chụp bức chân dung thiếu nữ này vì "cô quá đẹp", thế nhưng lúc đó cô gái đang vội đi làm. Bù lại, cô hẹn gặp Catherine vào một ngày khác và giúp bà có được những bức ảnh về vẻ đẹp trong trẻo của người con gái Hà Nội. Một trong các bức ảnh đó đã được một tạp chí của Mỹ dùng làm ảnh bìa.
Không chỉ người dân bình thường giúp thổi bùng lên ngọn lửa đam mê nhiếp ảnh trong Catherine, mà bà còn được trải nghiệm điều đó khi chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi sinh thời.
Nhờ có sự giới thiệu của cha là nhà sử học Mỹ nổi tiếng Stanley Karnow, Catherine được đến nhà Tướng Giáp để chụp chân dung ông năm 1994, trước khi được mời làm phóng viên nước ngoài duy nhất được tham gia đoàn khi Đại tướng lên Điện Biên cùng năm đó.
Bước chân vào căn nhà số 30 Hoàng Diệu, Catherine không khỏi hồi hộp và lo lắng, không biết mình có làm tốt hay không. Trong khi phu nhân Đại tướng trò chuyện thân tình thì Catherine lại "hoảng lên" đi tìm nơi có ánh sáng tự nhiên trong căn phòng hơi tối. Băn khoăn một lúc, Catherine xin phép đi tìm xem có nơi nào có ánh sáng tự nhiên không, và mừng rỡ khi thấy cầu thang nơi có ánh sáng từ cửa sổ rọi xuống.
Tướng Giáp khi đó tỏ ra điềm tĩnh và kiên nhẫn, thực hiện đề nghị của Catherine là đứng dưới cầu thang, để ánh sáng chiếu lên gương mặt ông. Dường như ông hiểu rõ cô gái trẻ người Mỹ đang nỗ lực để vượt qua thách thức của mình. Cuối cùng, Catherine có được bức ảnh mang tên "Ngọn núi lửa phủ tuyết", khi ánh sáng từ phía trên hắt xuống mái đầu bạc trắng của Đại tướng, ánh mắt ông nhìn thẳng đầy cương nghị.
"Bức chân dung thể hiện hai phần của con người Đại tướng. Nếu bạn nhìn vào bên phải, bạn sẽ thấy một người chồng, người cha, người ông, đầy lòng trắc ẩn, thực sự quan tâm đến những người lính của mình. Nếu nhìn vào bên trái, bạn sẽ thấy một vị tướng chiến đấu bằng mọi giá để giải phóng Việt Nam và đem lại hoà bình cho đất nước", Catherine chú thích về điều bà mới phát hiện ra về bức chân dung.
Nói về cơ duyên được gặp và chụp ảnh Đại tướng ở Hà Nội và Điện Biên Phủ, cho đến khi được gia đình Đại tướng tin tưởng cho phép chụp lễ tang của ông năm 2013, Catherine cảm thấy rất biết ơn.
Trong buổi nói chuyện kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ, xen lẫn giữa những khoảng lặng khi Catherine kể về Tướng Giáp, về những nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam, khán phòng không ít lần rộ lên những tràng cười sảng khoái, trước biểu cảm của bà về những kỷ niệm khó quên của người cầm máy.
Chia sẻ bí quyết để có các bức ảnh như ý, Catherine cho hay bản thân người cầm máy cần tin rằng chụp ảnh là tôn vinh cái đẹp. Nhiếp ảnh gia cần thể hiện điều đó để đối tượng được chụp cho phép "tiếp cận cảm xúc của họ" và rót nó vào ống kính. Đôi khi người chụp cần trò chuyện với nhân vật để hiểu được hoàn cảnh của họ, nhưng cũng có lúc không cần nói gì để tránh ngắt quãng cảm xúc của họ.
Mỗi bức ảnh cần có một "viên kim cương", là chi tiết đắt giá nhất. Catherine cũng phản đối phong cách chụp ảnh set up (dàn xếp), khiến người được chụp mất tự nhiên.
Sinh ra và lớn lên tại Hong Kong, nhiếp ảnh gia National Geographic Catherine Karnow, đã chụp ảnh Việt Nam được 28 năm. Năm 1994, bà là phóng viên ảnh duy nhất không phải người Việt Nam đi cùng Đại Tướng Võ Nguyên Giáp trong lần quay trở lại lịch sử đầu tiên của ông vào khu rừng ở vùng cao nguyên phía Bắc Việt Nam, mà ở đó ông đã lên kế hoạch cho trận Điện Biên Phủ. Năm 2013, bà là người nước ngoài duy nhất được phép chụp gần đám tang và lễ chôn cất của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp.
Hồi tháng 4/2015, Catherine tổ chức thành công triển lãm ảnh "Việt Nam 25 năm - một đất nước đang thay đổi" tại Hà Nội, và ra cuốn catalogue ảnh về Việt Nam.