Thời điểm giao mùa và mùa lạnh là lúc cơ thể thay đổi để thích nghi với thời tiết, khiến niêm mạc cổ họng trở nên yếu ớt, dễ bị virus, vi khuẩn... tấn công. "Đây là môi trường thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn gây cúm phát triển khiến sức đề kháng con người suy giảm nhiều hơn", PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết.
Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ sức đề kháng yếu, người già mắc bệnh nền, phụ nữ mang thai, người suy dinh dưỡng, đề kháng yếu. Triệu chứng phổ biến là cảm giác nuốt khó, đau rát, ho nhiều và khàn tiếng,...
Theo bác sĩ Đào, để phòng ngừa, bạn cần tránh tiếp xúc với những người đang bị viêm họng hay mắc bệnh đường hô hấp do tốc độ lây lan nhanh. Đối với người thường xuyên bị viêm họng, cần cẩn trọng hơn trong sinh hoạt để tránh bệnh tái đi tái lại nhiều lần.
Xây dựng chế độ ăn đầy đủ chất bao gồm các thực phẩm chứa nhiều tinh bột, giàu protein, chất béo từ các loại hạt, đậu, trứng, cá, thịt lợn nạc, thịt gà, thịt bò, sữa ít chất béo, rau quả tươi giúp cơ thể tăng sức đề kháng.
Hạn chế ăn thực phẩm cứng, đồ ngọt, đồ lạnh hay đồ cay nóng, rượu, bia, thuốc lá,... đều dễ kích thích niêm mạc cổ họng yếu ớt, gây sản sinh chất dịch nhờn, tạo thành đờm và môi trường tốt để vi khuẩn xâm nhập tấn công.
Một số lưu ý khác như tắm bằng nước ấm ở phòng kín, tránh gió lùa, lau khô người ngay sau khi tắm; đóng kín cửa, tránh gió lạnh vào phòng ngủ; đeo khăn quàng giữ ấm cổ khi ra ngoài; giữ ấm bàn tay, bàn chân, ngực, cổ, đầu... Vệ sinh môi trường sống thường xuyên, giữ không gian nhà cửa thông thoáng, lau dọn các vật dụng như bàn phím, điện thoại, điều khiển để phòng ngừa viêm họng.
Vệ sinh miệng và cổ họng để tránh tích tụ mảng bám, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Các bước vệ sinh đúng cách là đánh răng hai lần mỗi ngày, ít nhất hai phút mỗi lần. Thay bàn chải đánh răng theo chu kì ba tháng. Súc miệng và cổ họng bằng nước muối sinh lý vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ.
Khi đi đường, bạn nên đeo khẩu trang, giữ ấm vùng cổ họng vào mùa đông. Đối với trẻ nhỏ cần tiêm ngừa vaccine phòng cúm đầy đủ. Nếu có các triệu chứng co giật, ngủ li bì, nôn ói, lơ ăn, sốt cao trên ba ngày nên đưa đến viện.
Trường hợp bạn đang bị cúm, viêm họng cần tuân thủ khuyến cáo của bác sĩ, không tự ý uống thuốc dẫn đến kháng thuốc và tác dụng phụ. Có thể tham khảo các bài thuốc từ thiên nhiên như mật ong, cam thảo để giảm dần triệu chứng viêm họng.
Ngoài ra, mỗi người nên đi khám sức khỏe thường xuyên để phát hiện và điều trị sớm các bệnh viêm họng, mũi xoang, viêm amidan để tránh lây lan và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ Cao Minh Thành, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khuyến cáo mọi người không quá lo lắng khi mắc cúm hay viêm họng cấp. Nếu tuân thủ giữ ấm, dinh dưỡng đầy đủ, bệnh có thể tự khỏi sau ba đến năm ngày.
Thùy An