Bạc Hy Lai trao danh hiệu "Vệ sĩ của nhân dân Trùng Khánh" cho Vương Lập Quân với thành tích trong phong trào "đả hắc trừ gian" ngày 28/2/2010. Ảnh: Chnsuv |
Những cảnh sát mặc đồng phục đứng bên ngoài 500 trạm gác trên đường phố Trùng Khánh nhằm bảo vệ an toàn cho người dân, thậm chí còn cho người qua đường mượn ô khi trời mưa.
"Cảm ơn những trạm gác của cảnh sát, bây giờ tôi có thể đi lại trên phố vào ban đêm mà không lo sợ nguy hiểm, thậm chí tôi còn có thể đeo khuyên tai", một cô gái ngoài 20 tuổi làm việc tại một cửa hàng ăn nói.
Tuy nhiên, những trạm gác của cảnh sát nay lại là một biểu tượng đen tối trong lịch sử của Trùng Khánh.
Những trạm gác này được xây trong phong trào "đả hắc", nhằm tiêu diệt tội phạm có tổ chức và duy trì an ninh, trật tự. Nhân vật chủ chốt, lãnh đạo chiến dịch là ông Vương Lập Quân, từng là trưởng bộ phận an ninh của thành phố Thiết Linh, tỉnh Liêu Ninh thời ông Bạc làm chủ tịch tỉnh.
Ông Bạc đưa Vương về Trùng Khánh năm 2008 và chỉ định làm giám đốc công an thành phố, phụ trách điều tra tội phạm. Theo số liệu của truyền thông địa phương, chỉ trong 80 ngày sau khi được chỉ định, Vương Lập Quân phá được 32.000 vụ án và bắt giữ 9.500 người.
Tháng 8/2009, Vương bắt giữ Văn Cường, người đứng đầu ngành tư pháp thành phố, vì tội nhận hối lộ của các tổ chức tội phạm. Văn từng là phó giám đốc công an thành phố trong 16 năm. Nhóm điều tra đã đến nhà Văn và phát hiện thấy nhiều ngoại tệ và vàng miếng trị giá hơn 6 triệu USD.
11 tháng sau khi bị bắt, Văn bị xử tử hình. Cấp dưới của Văn cũng bị bắt giữ. Ngoài ra, có hơn 3.500 cảnh sát cũng bị đưa ra xét xử tính đến tháng 3/2010.
"Họ dường như là tấm gương cho những người không được lòng ông Bạc. Các quan chức trong chính quyền đều rất sợ hãi và im lặng", cựu nhà báo của Nhật báo Trùng Khánh nhớ lại.
Fang Hong, 45 tuổi, một cựu quan chức ngành lâm nghiệp ở quận Phù Lăng, Trùng Khánh, cảm thấy những người làm phật lòng Bạc bị bắt và bị nhà chức trách gán tội là do sự sai khiến của Bạc.
Tháng 4/2011, Fang bị xử lý kỷ luật lao động công ích một năm và phải đi học tập cải tạo vì đã viết những lời phê phán chiến dịch "đả hắc" trên blog. Chương trình lao động và cải tạo được cơ quan điều tra Trùng Khánh sử dụng để bắt giữ người dân mà không cần ra tòa và cưỡng bức họ lao động.
"Trùng Khánh khi đó bị thống trị bởi chủ nghĩa phát xít, bất chấp mọi chỉ trích và phản đối", Fang nói.
Fang có cha mẹ từng bị đàn áp hồi Cách mạng Văn hóa. Ông cảm thấy thời kỳ này đang quay trở lại khi quyền lực được coi cao hơn luật pháp và dùng để hạ bệ những thành phần đối lập. Theo Fang, một quan chức an ninh nói với ông rằng đây là một "vấn đề chính trị".
Hồi tháng 2, chính người lãnh đạo chiến dịch "đả hắc" - Vương Lập Quân - bị bắt giữ. Khi thông tin Vương bị bắt lan truyền đến công xưởng nơi Fang phải làm việc thì một tràng pháo tay lớn vang lên.
Trong thời gian Fang bị thẩm vấn và sau đó được thả hồi tháng 4, Bạc Hy Lai cũng bị mất chức. Tháng 6, đơn khiếu nại của Fang được một tòa án thụ lý và ra phán quyết rằng hình phạt cưỡng ép lao động dành cho ông là "phi pháp".
Vũ Hà (theo Asahi Shimbun)
Đây là bài thứ 14 trong series của Asahi Shimbum, tìm hiểu về con đường tiến thân của chính trị gia mất chức Bạc Hy Lai tại Trung Quốc. Đọc thêm:
Kẻ yêu người ghét Bạc Hy Lai
Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh
Bạc Hy Lai trên ghế bộ trưởng
Bạc Hy Lai cất cánh, nhà báo ở tù
Một mình khiêu chiến với Bạc Hy Lai
Bạc Hy Lai ôm mộng quyền lực