Triều Tiên ngày 29/11 bất ngờ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-15 sau 75 ngày im hơi lặng tiếng. Theo giới quan sát, vụ phóng tên lửa này của Triều Tiên không chỉ gây ra mối đe dọa chưa từng có với Mỹ, mà còn phát đi thông điệp rất mạnh tới Trung Quốc.
Bình luận viên Evan Osnos của NewYorker cho rằng trên phương diện ngoại giao, vụ phóng tên lửa Hwasong-15 đã xóa sạch mọi ảo tưởng của các nhà hoạch định chính sách quốc tế về ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng. Vụ phóng được tiến hành ngay sau chuyến đi tới Bình Nhưỡng gần đây của ông Tống Đào, đặc phái viên cấp cao nhất Trung Quốc cử tới Triều Tiên trong hai năm qua.
Tờ Nikkei dẫn một số nguồn tin cho biết trong chuyến công tác của đặc phái viên Tống, Triều Tiên đã nhiều lần tìm cách gây sức ép để Trung Quốc nới lỏng các lệnh trừng phạt áp đặt với nước này. Đây là dấu hiệu cho thấy những rạn nứt trong mối quan hệ đồng minh giữa hai quốc gia, trong bối cảnh sức ép quốc tế đối với chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên ngày càng gia tăng.
Theo bình luận viên Oki Nagai, Trung Quốc có truyền thống cử một đặc phái viên tới Triều Tiên sau mỗi kỳ đại hội đảng để thông báo kết quả đại hội. Tuy nhiên, khi Bắc Kinh thảo luận về việc cử ông Tống thực hiện chuyến đi này, Bình Nhưỡng đã ra điều kiện rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Triều Tiên phải được nới lỏng. Đây được coi là cách phản ứng của Triều Tiên trước việc Trung Quốc "về phe" Mỹ chống lại chương trình hạt nhân Bình Nhưỡng.
Khi ông Tống tới Bình Nhưỡng, các quan chức Triều Tiên đã gây bất ngờ khi cho rằng vị thế của đặc phái viên này quá thấp để có thể gặp trực tiếp nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Hai đặc phái viên trước đây của Trung Quốc thường là ủy viên Bộ Chính trị, trong khi ông Tống là trưởng ban Đối ngoại đảng Cộng sản Trung Quốc, ủy viên Ủy ban Trung ương, có vị thế thấp hơn.
Vì lý do đó, phía Triều Tiên kiên quyết bố trí để ông Tống gặp Ri Su-yong, phó chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên, thay vì gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
"Có vẻ như ông Kim Jong-un đã chuẩn bị cho cuộc thử tên lửa này khi quyết định không gặp đặc phái viên Trung Quốc", Lu Chao, chuyên gia tại Học viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh, nhận định.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã trở nên căng thẳng kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền. Không như ông nội và bố mình, nhà lãnh đạo Triều Tiên hiện nay chưa từng tới thăm Trung Quốc.
Dưới thời ông Tập, Trung Quốc cũng đi xa hơn trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế ngặt nghèo hơn nhắm vào Triều Tiên như cấm nhập khẩu than, trục xuất lao động Triều Tiên, hạn chế xuất khẩu dầu mỏ.
Một nguồn tin thường xuyên tới Triều Tiên cho hay giá xăng dầu ở thủ đô Bình Nhưỡng đã tăng mạnh từ đầu năm và lên mức gấp đôi vào tháng 10. Những lệnh trừng phạt do Liên Hợp Quốc áp đặt hồi tháng 9 nếu được thực thi đầy đủ có thể khiến nguồn nhập khẩu dầu của Triều Tiên bị giảm 30%.
Trung Quốc trong tháng 9 cũng bắt đầu đóng cửa các công ty liên doanh với Triều Tiên, động thái khiến Bình Nhưỡng nhanh chóng mất đáng kể các khoản thu nhập. Trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump đầu tháng 11, Chủ tịch Tập Cận Bình trấn an người đồng cấp Mỹ rằng các biện pháp cấm vận Triều Tiên cần thời gian để phát huy hiệu quả. Sự im lặng của Triều Tiên suốt hơn hai tháng cũng khiến nhiều người tin rằng Bắc Kinh thực sự đã có tác động lớn đến Bình Nhưỡng trong việc ngừng thử tên lửa, hạt nhân.
Tuy nhiên, vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên cho thấy Trung Quốc đã hết lựa chọn khả thi với Triều Tiên, theo Wu Xinbo, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Phục Đán.
"Trung Quốc đã thử mọi thứ, từ gửi đặc phái viên tới Triều Tiên, đề xuất phương án ‘ngừng đổi ngừng’ và cũng đã thực hiện các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc", ông Wu nói. Phương án "ngừng đổi ngừng" được Trung Quốc đề xuất trong chuyến thăm của Tổng thống Trump, trong đó Mỹ và Hàn Quốc được đề nghị chấm dứt các cuộc tập trận quy mô lớn để đổi lấy việc Triều Tiên ngừng chương trình hạt nhân. Washington đã bác bỏ phương án này.
Tờ Donga Ilbo của Hàn Quốc gọi vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên là "gáo nước lạnh" dội vào Trung Quốc, đặc biệt là nó được thực hiện chỉ một thời gian ngắn sau chuyến đi tới Bình Nhưỡng của đặc phái viên Tống.
Các chuyên gia phân tích cho rằng vụ phóng tên lửa Hwasong-15 là minh chứng cho thấy những nỗ lực ngoại giao của Mỹ nhằm gây sức ép để Trung Quốc kiềm chế Triều Tiên Tiên đã tỏ ra không có hiệu quả trên thực tế. Nó cũng thể hiện rõ rằng những lời lẽ răn đe mà các quan chức Mỹ lẫn Trung Quốc tung ra đến nay không mang lại kết quả nào trong việc điều chỉnh hành vi của Triều Tiên.
Bởi vậy, nhiều nhà phân tích tin rằng trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ gia tăng đáng kể các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Trung Quốc mới đây thông báo kế hoạch đóng cửa cầu hữu nghị Trung – Triều giữa biên giới hai nước trong 10 ngày kể từ 11/12. Đây là cây cầu huyết mạch nơi 70% thương mại biên giới hai nước lưu thông, nên nếu Bắc Kinh kéo dài thời gian đóng cửa cầu, nó sẽ ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế Bình Nhưỡng.
Trung Quốc đến nay mới chỉ bày tỏ "lo ngại sâu sắc" trước vụ thử tên lửa Hwasong-15 của Triều Tiên, kêu gọi nước này chấm dứt các hoạt động mang tính khiêu khích. Bắc Kinh chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ gia tăng các lệnh cấm vận với Bình Nhưỡng như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng sự rạn nứt trong quan hệ hai nước thể hiện qua vụ phóng tên lửa sẽ là một đòn giáng với nỗ lực quốc tế nhằm ngăn cản chương trình hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên.
Trí Dũng